'Cân nhắc kỹ nếu nới room cho nhà đầu tư ngoại bán lẻ xăng dầu'

Nội dung này được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp mới đây.

Theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu nhưng không được sở hữu quá 35% vốn. Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia. Ông yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá, cân nhắc nhiều mặt, xem xét kỹ lưỡng dựa trên những phân tích toàn diện, khách quan việc mở thêm cửa cho nhà đầu tư ngoại trong bán lẻ xăng dầu.

"Cần đánh giá được, mất gì trong trước mắt, cũng như lâu dài khi cho phép nhà đầu tư ngoại tăng tỷ lệ sở hữu vốn trong kinh doanh xăng dầu để có đề xuất cụ thể", Phó thủ tướng nêu yêu cầu với Bộ Công Thương.

Nhân viên một cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex ở Hà Nội ghi chép chốt sổ sau ca bán hàng. Ảnh: Ngọc Thành

Không dưới hai lần trong quá trình hoàn thiện nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, quy định về nới room cho nhà đầu tư ngoại được yêu cầu cân nhắc, xem xét toàn diện trước những ý kiến quan ngại.

Theo chuyên gia, quy định pháp luật hiện nay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất, nhập khẩu và phân phối xăng dầu nói chung. Việc này nhằm đảm bảo các nhà đầu tư ngoại không chi phối hệ thống phân phối, bảo đảm nguồn cung trong nước. Do đó, việc nới thêm tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong lĩnh vực này có thể sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Thực tế hiện nay, Idemitsu Q8 là nhà đầu tư ngoại duy nhất được cấp phép gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp như Petrolimex, PVOil, tỷ lệ vốn ngoại hiện là 20% và 35%. Tuy nhiên, các trường hợp này, để được tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, theo quy định trước đây, đều cần sự đồng ý, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Trong các giải trình trước đây, Bộ Công Thương cho rằng việc mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu lúc này là phù hợp và đã tính toán rất kỹ. Bộ này lập luận, thời điểm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển, xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống phân phối xăng dầu đủ lớn.

Nhưng hiện Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không... Doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã có hệ thống phân phối rộng khắp, và có nhu cầu cần thêm vốn đầu tư vào sản xuất, chế biến... để chủ động nguồn cung trong nước.

Tỷ lệ nhà đầu tư ngoại được sở hữu không quá 35% vốn giúp doanh nghiệp trong nước vừa có vốn, có công nghệ, nâng cao quản trị... Và tỷ lệ này, theo Bộ Công Thương, đảm bảo họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành doanh nghiệp.

Cũng theo kết luận tại cuộc họp sửa đổi Nghị định 83, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương cũng được đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm nội dung Bộ Quốc phòng được mua trực tiếp nhiên liệu để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh từ các nhà máy sản xuất.

Theo Anh Minh(Vnexpress)

https://vnexpress.net/can-nhac-ky-neu-noi-room-cho-nha-dau-tu-ngoai-ban-le-xang-dau-4299552.html