Văn phòng chia sẻ đua tìm cơ hội mùa dịch

Giữa lúc các văn phòng truyền thống trống trải vì chính sách làm việc tại nhà hoặc luân phiên của nhiều công ty, giới văn phòng chia sẻ đã tất bật tung ra nhiều dịch vụ thích ứng với mùa dịch để duy trì lượng khách và kiếm thêm nguồn thu...

Có 5 địa điểm tại TP HCM và Hà Nội, Dreamplex đang chào mời các công ty tìm đến như một địa điểm để chia nhóm nhân viên giữa văn phòng chính và các không gian cho thuê của họ. Dịch vụ văn phòng tạm thời cho 4 đến 100 nhân viên trở lên được công ty tung ra hồi đầu tháng 6.

cirCo, chuỗi văn phòng chia sẻ có 3 địa điểm tại TP HCM cũng nhanh chóng giới thiệu giải pháp phòng họp trực tuyến như một lựa chọn an toàn và linh hoạt cho các công ty có nhu cầu họp online nhưng đang thiếu thiết bị và nhân viên kỹ thuật đễ sẵn sàng hỗ trợ về đường truyền, âm thanh hay ánh sáng.

Một góc địa điểm mới của Toong tại quận 3, TP HCM vào cuối tháng 5/2021. Ảnh: Toong.
 Một góc địa điểm mới của Toong tại quận 3, TP HCM vào cuối tháng 5/2021. Ảnh: Toong.

Thậm chí, có đơn vị còn khai trương thêm chi nhánh mới. Ít ngày trước khi TP HCM giãn cách xã hội hồi đầu tháng, Toong đưa vào hoạt động địa điểm mới trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 với 1.250 m2. Trước đó, vào tháng 3, thương hiệu này đã mở mới một địa điểm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.

Ông Dương Đỗ, CEO Toong cho biết, địa điểm tại quận 3 đã được đặt trước 75% trước khi khai trương. Với ông, Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để phát triển nếu biết linh hoạt ứng biến. "Nhìn một cách tích cực thì đại dịch đã ‘giúp’ chúng tôi càng thêm nhạy bén trong cách thiết kế dịch vụ của mình", ông nói.

Đầu năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy của Toong đạt 80% ở TP HCM, 70% ở Hà Nội và giá thuê giảm. Tuy nhiên, từ giữa năm, tỷ lệ lấp đầy cả hai thành phố đều tăng. Ông Dương Đỗ nói lượng khách tại Hà Nội tăng đột biến gấp 3 lần trước dịch, tổng doanh thu năm 2020 tăng khoảng 15% so với 2019.

Chia sẻ với VnExpress trong những ngày TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội, ông Balder Tol, Tổng giám đốc WeWork khu vực Australia và Đông Nam Á cũng nói rằng, nhu cầu sử dụng dịch vụ văn phòng chia sẻ vẫn ngày càng gia tăng.

Theo phân tích của ông Balder Tol, làn sóng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam năm ngoái tác động nhẹ đến nhu cầu không gian làm việc, khi các doanh nghiệp ứng biến bằng cách cho nhân viên làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, khi dịch kéo dài, họ dần quan tâm đến co-working space trong lúc lập kế hoạch dài hạn và bền vững hơn cho chiến lược không gian làm việc của mình. "Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thiên hướng tìm kiếm giải pháp không gian làm việc linh hoạt thay vì duy trì với những không gian làm việc truyền thống", ông nhận xét.

Savills Việt Nam đánh giá, sự ưa chuộng với không gian linh hoạt sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc văn phòng chia sẻ. Theo đơn vị này, co-working và văn phòng truyền thống cũng không quá cạnh tranh trực tiếp với nhau. Bởi lẽ, khách hàng chính của co-working thường là startup, công ty mới thành lập và lao động tự do.

Một số đơn vị đang sẵn sàng mở rộng. Toong hiện gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị khai trương thêm địa điểm mới trên đường Cộng Hòa (TP HCM). Họ cũng đã đi đến những bước thương thảo cuối cùng để xây dựng địa điểm mới tại Hà Nội, Đà Lạt và có kế hoạch hợp tác với Wink Hotels để triển khai 3 dự án tại Đà Nẵng, Cần Thơ. Dreamplex cũng thông báo kế hoạch khai trương 2 địa điểm mới tại Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM) và quận 4 lần lượt vào tháng 10 và 11 tới.

Tuy nhiên, văn phòng chia sẻ cũng cần vượt qua một số thách thức nếu muốn bền vững về dài hạn. Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, co-working phù hợp với startup, giới trẻ thích môi trường linh động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có trên 30 nhân sự sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc tạo dựng văn hóa doanh nghiệp, thay vì chú trọng linh hoạt về chỗ ngồi, điều mà mô hình này sẽ khó hỗ trợ. Nên đây cũng là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp phát triển co-working space phải cân đối.

Một góc môt hình đảm bảo an toàn mùa dịch của WeWork. Ảnh: WeWork.

Một góc mô hình đảm bảo an toàn mùa dịch của WeWork. Ảnh: WeWork.

Bên cạnh đó, ông Balder Tol, Tổng giám đốc WeWork khu vực Australia và Đông Nam Á đánh giá, đại dịch cũng là yếu tố khiến sự phát triển của văn phòng chia sẻ cần phải thay đổi. "Hơn bao giờ hết, mô hình này phải mang tới sự nhanh chóng và khả năng thích ứng để các công ty xoay chuyển trước tình hình đại dịch, cũng như đảm bảo các hoạt động của họ trong tương lai", ông nói.

Về dài hạn, các tổ chức ngày càng tập trung hơn vào việc xây dựng môi trường để mọi người gặp gỡ, một nơi họ "muốn đến" thay vì "phải đến". Một không gian làm việc được thiết kế tốt không chỉ lôi cuốn về mặt diện mạo mà còn tạo ra năng suất, động lực và văn hóa, sự kết nối.

"Với những hạn chế về không gian và sức sáng tạo của điều kiện làm việc tại nhà, kỳ vọng của nhân viên về văn phòng đang dần thay đổi. Nơi làm việc đã được tái định nghĩa như một 'trung tâm hợp tác và làm việc năng suất' - thiết kế không gian cần phải phát triển để đáp ứng sự thay đổi này", ông Balder Tol nhận định.

Ông Dương Đỗ, CEO Toong thì nhận xét, khách hàng đang yêu cầu nhiều hơn với các đơn vị phát triển môi trường làm việc. Theo đó, phải cung cấp được giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề, đáp ứng nhiều nhu cầu: cá tính công ty, không gian cà phê - thư giãn, không gian hội họp, các hoạt động văn hóa.

"Tương lai sẽ đánh dấu sự chuyển dịch sang các mô hình sống và làm việc hỗn hợp, cấu thành bởi công năng và các trải nghiệm cảm tính đa chiều được tích hợp trong cùng một không gian", ông nói, "Mặc dù co-working space có thị trường tiềm năng, nhưng cơ hội sẽ không san bằng cho tất cả các chuỗi không gian làm việc chung".

Theo Viễn Thông(Vnexpress)

https://vnexpress.net/van-phong-chia-se-dua-tim-co-hoi-mua-dich-4294109.html