Tìm giải pháp huy động vốn cho doanh nghiệp trong tình hình mới

 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:VGP/HT
Theo các chuyên gia tại hội thảo, huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề rất quan trọng, có tính chất sống còn đối với DN, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang có tác động rất nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng.
 
 Dẫn kết quả khảo sát của VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết, bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch COVID-19 thì gần 10% DN thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.
 Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng chỉ ra vấn đề: Nếu ngân hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng cho DN thì có thể bị thiếu thanh khoản do DN khó trả nợ do dịch bệnh. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu, làm suy yếu hệ thống ngân hàng.
 
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC) nhận định, do cơ cấu vốn của DN còn bất hợp lý, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 20-30% còn lại là vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại, trong khi khu vực này lại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn vay trung và dài hạn của DN.
 

Cơ cấu chưa hợp lý này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, DN và nền kinh tế, trong đó nguy cơ ở phía DN là phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp… 

Trong khi đó thị trường tín dụng đang chịu áp lực lớn do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và DN. Mặc dù, về lý thuyết ở các nước nói chung, thị trường chứng khoán là kênh duy động vốn hiệu quả song việc huy động vốn của DN thông qua thị trường này ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế. 

Do đó, yêu cầu bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, giải quyết việc mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn có ý nghĩa quyết định đối với ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 “Muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả phải tập trung vào xác định cơ cấu vốn tối ưu; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Trong đó, huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho DN cũng như nâng cao chất lượng quản trị”, ông Đặng Đức Thành nhấn mạnh.
 
 Phân tích thêm về những xu hướng mới để thu hút vốn đầu tư của các DN trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Lê Anh Tú, Phó Chủ tịch VEC đánh giá rất cao về hệ thống tiền mã hóa đã và đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Hiện có trên 40 ngân hàng Trung ương toàn cầu đang nghiên cứu loại tiền này.
 Về xu hướng này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là xu hướng không mới ở trên thế giới, nhưng số lượng các nước triển khai cũng không phải quá nhiều. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho vấn đề này hầu như chưa có, vẫn còn khá nhiều rủi ro, thậm chí có trường hợp “sập sàn”, gây hệ lụy cho các nhà đầu tư. Chính phủ đã sớm có chỉ đạo các cơ quan quản lý của Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý. Hiện Ngân hàng Nhà nước có tổ nghiên cứu về tiền kỹ thuật số, Bộ Tài chính cũng có tổ nghiên cứu về tiền tảo, tài sản ảo.

“Các cơ quan quản lý cần mạnh mẽ và xây dựng các giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn. Tiến độ tiếp cận vẫn còn chưa đủ nhanh so với diễn biến, trong thời gian tới, cần có đẩy nhanh việc thiết kế chính sách và có quan điểm, cơ chế rõ ràng về lĩnh vực này”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
 
 Theo Huy Thắng(báo Chính phủ)
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Tim-giai-phap-huy-dong-von-cho-doanh-nghiep-trong-tinh-hinh-moi/430538.vgp