Tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khởi động công cuộc cải cách - đổi mới ở nước ta. Một năm sau, vào cuối năm 1987, Luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua. Và, ba năm sau đó, vào năm 1990, Quốc hội thông qua Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Như vậy, ngay từ bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới, chúng ta đã rất coi trọng khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Khung khổ pháp luật cho việc thành lập các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn có trước khung khổ pháp luật cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đó một điểm rất đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trải qua 33 năm, chúng ta có Luật đầu tư nước ngoài và sau 20 năm chúng ta tổ chức giải thưởng “Rồng vàng” để vinh danh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiêu biểu, khu vực FDI đã trở thành một thực thể kinh tế quan trọng ở Việt Nam. Và Việt Nam là một trong số những nền kinh tế thành công nhất trong khu vực, thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn từ các nước trên thế giới cho sự nghiệp phát triển nước mình. Đã có các nhà đầu tư FDI từ 136 nền kinh tế vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 400 tỷ USD, lớn hơn cả GDP hàng năm của Việt Nam ở thời điểm hiện nay.

FDI đã có những đóng góp lớn vào tăng trưởng, vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động,tham gia tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm cho an sinh xã hội ở Việt Nam. FDI là một lực lượng góp phần dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam khi đóng góp tới 50% tổng sản lượng của các ngành công nghiệp. FDI cũng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và đưa những sản phẩm hàng hoá “made in Việt Nam” tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. 70% xuất khẩu là đóng góp của FDI, hàng triệu người lao động có cơ hội việc làm trong khu vực FDI... là những con số đã ghi nhận những đóng góp to lớn của FDI cho nền kinh tế.

Khu vực FDI và những người làm nên những thành quả FDI suốt mấy chục năm qua rất xứng đáng để nhận được những tấm huân chương của đất nước này. Nhưng cũng có những mặt trái của tấm huân chương FDI mà chúng ta không thể không trăn trở.

1/3 thế kỷ là thời gian đủ để một nền kinh tế từ tình trạng chậm phát triển, cất cánh bay lên, trở thành những con rồng, con hổ, vươn tới những công đoạn cao trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng qua ngần ấy thời gian, cho tới nay, mặc dù đóng góp tới 20% GDP của Việt Nam và đã có sự chuyển động bước đầu khi một số FDI đã chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu mã, làm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhưng bức tranh toàn cảnh FDI vẫn chủ yếu là các đại công trường lắp ráp, gia công sản phẩm trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động giản đơn như dệt may, giầy dép, và gần đây là điện tử… 60 -70% máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư cho sản xuất là nhập từ nước ngoài. Ngoại trừ tiền công, giá trị gia tăng tạo ra từ trong nước là không lớn.

Các FDI nhìn chung đã chưa cộng sinh được với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Sức lan toả về công nghệ, về văn hoá kinh doanh, về quản trị chưa cao. Một bộ phận của doanh nghiệp FDI thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu sử dụng tài nguyên và nguồn lực tại địa phương giá rẻ, tận dụng những ưu đãi của chính quyền, đóng góp vào ngân sách các địa phương không tương xứng... Cá biệt có hiện tượng FDI kinh doanh chộp giật, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật Việt Nam... Hiện tượng mua bán sát nhập doanh nghiệp (M&A), gần đây đang được thúc đẩy nhưng nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng tự chủ và an ninh kinh tế nước nhà.

Đánh giá về những thành tựu, cũng như những mặt hạn chế của FDI, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 50, Chính phủ đã có Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết 58/2020 về thu hút FDI trong tình hình mới theo hướng điều chỉnh chiến lược thu hút FDI, nâng cấp FDI, hướng tới một thế hệ FDI có chất lượng cao hơn, có khả năng cộng sinh, cộng hưởng, cùng có lợi với nền kinh tế nội địa của Việt Nam.

Chúng ta đang có cơ hội để đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài thứ 4 (sau làn sóng thứ nhất vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước sau khi đất nước có luật đầu tư nước ngoài, làn sóng thứ 2 vào đầu những năm 2000 khi hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, làn sóng thứ 3 hệ quả của việc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006 và làn sóng thứ tư hiện nay do tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cộng hưởng với covid 19 và những dịch chuyển chuỗi cung ứng do Covid-19 và chiến tranh thương mại).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Ảnh Quốc Tuấn.

Làn sóng FDI thứ 4, gắn liền với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Và hai số 4 sẽ định hình tương lai của FDI và giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới của Việt Nam. Để tận dụng có hiệu quả làn sóng thứ 4, chắc chắn chúng ta sẽ không chỉ quan tâm về số lượng, không chạy theo các dự án hàng trăm triệu, hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ US $ nếu như các dự án này không góp phần năng cao chất lượng phát triển của Việt Nam, không tạo ra việc làm đàng hoàng hơn cho người dân Việt Nam, không cộng sinh được với doanh nghiệp nội địa, không lan toả công nghệ, quản trị hiện đại và văn hoá kinh doanh, không tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nền kinh tế…

Không gian phát triển của nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn đã trở nên chật chội, chúng ta cần và có quyền lựa chọn các dự án đầu tư thế hệ mới có chất lượng cao hơn và để làm được việc này cần có trách nhiệm chung từ ba phía: Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và bản thân các nhà đầu tư FDI.

Chúng ta rất mừng, mặc dù trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao. Kết quả điều tra PCI của VCCI năm 2020 vừa được công bố mới đây đã ghi nhận: do bệnh dịch toàn cầu, khu vực FDI ở Việt Nam đã trải qua một năm kinh doanh trầm lắng, không được như mong đợi. Chỉ số niềm tin kinh doanh suy giảm và các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn đối với các dự định phát triển trong thời gian tới do tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh. Nhưng trong một năm của những khó khăn chồng chất, Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc tăng cường vị thế của mình như một trong những lựa chọn hàng đầu với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm các phương án đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.

Trong con mắt của các nhà đầu tư, Việt Nam đã ngày càng trở lên hấp dẫn hơn khi đã chuyển hóa được một số điểm yếu trước đây thành lợi thế so sánh với các đối tác trong khu vực như: yếu tố rủi ro bị thu hồi mặt bằng kinh doanh hay bất ổn chính sách. Đồng thời Việt Nam cũng củng cố được vị thế của một nền kinh tế có sức hấp dẫn với các thiết chế chính trị -xã hội ổn định. Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trên những lĩnh vực khó cải thiện như kiểm soát tham nhũng, thuế và cung ứng dịch vụ công.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn hai lĩnh vực còn nhiều bất cập theo đánh giá của các FDI đó là hệ thống thủ tục, quy định hành chính và cơ sở hạ tầng. Cần tiếp tục đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thưc hiện các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, bước còn bất cập trong thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chất lượng cao thì sự chuẩn bị về chất lượng thể chế, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Đầu tư chất lượng cao đòi hỏi thể chế cũng phải chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài gần đây, họ thường nói với tôi rằng: địa phương nào cũng yêu cầu mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, nhưng việc chuẩn bị các điều kiện cho đầu tư vào công nghệ cao thì chưa thấy. Không phải chỉ quy hoạch một khu đất, dựng ra một vài chính sách ưu đãi là đủ điều kiện đón “đại bàng”.

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 “Kết nối địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội mới” vừa diễn ra.

Các khu công nghiệp đã hình thành thì thường chỉ thấy đất thấy đường, thấy mặt bằng, nhà xưởng.., không thấy dịch vụ, thấy không gian sống và hệ sinh thái cho sản xuất kinh doanh. Cần hiểu khu công nghiệp theo quan niệm mới không chỉ là nhà xưởng mà là hệ sinh thái tích hợp được các điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hệ sinh thái có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng cần phải có tầm nhìn, quy hoạch và chính sách tốt để thu hút FDI. Cần làm rõ những lĩnh vực nào chúng ta khuyến khích các FDI và những vực nào nên ưu tiên cho đầu tư trong nước. Chúng ta cần có bộ lọc về tiêu chuẩn kĩ thuật và công nghệ tốt để thu hút FDI. Tôi cũng đề nghị nên ban hành Luật về an ninh quốc gia để kiểm soát đầu tư vào những địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm...

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất cần quan tâm trong thời gian tới. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề phải là bệ đỡ cho làn sóng đầu tư mới. Liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, hiện nay, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn khi không tuyển được lao động trong nước đáp ứng yêu cầu, phải trông chờ vào nhập khâu chuyên gia, kỹ thuật viên từ ngoài nước nhưng những quy định và thủ tục trong lĩnh vực này còn phiền hà, phức tạp. Chúng ta hạn chế nhập khẩu lao động phổ thông là hợp lẽ nhưng gây khó dễ cho tuyển dụng lao động kỹ thuật cao từ ngoài nước khi cần thiết sẽ cản trở kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam của các FDI trong những lĩnh vực tiềm năng.

Phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ, trợ giúp có hiệu quả doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lớn lên để có trở thành đối tác, thành nhà cung cứng cho các FDI cũng là vấn đề lớn trong nền kinh tế Việt Nam .Nếu chúng ta muốn vượt lên những phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị và tích hợp được các doanh nghiệp của chúng ta vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và phải đạt tới những chuẩn mực toàn cầu. Tôi cũng nhiều lần đề nghị Quốc hội nên ban hành Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta có thể có thể lớn lên, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và kết nối có hiệu quả với các tập đoàn xuyên quốc gia trong thời gian tới.

Báo cáo của PCI mấy năm qua cũng cho thấy số lượng doanh nghiêp FDI đầu tư mới tăng lên nhưng quy mô trung bình của các dự án FDI trong nền kinh tế nước ta đang nhỏ lại. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vệ tinh của các dây truyền lắp ráp đang dịch chuyển vào Việt Nam ngày càng nhiều. Đó là tín hiệu tích cực cho chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta . Nhưng nếu chỉ có xu hướng doanh nghiệp hỗ trợ nước ngoài vào Việt Nam mà các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không phát triển ngay cả trong những lĩnh vực vừa tầm, vừa sức với doanh nghiệp Việt Nam, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đứng ngoài các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ở ngay trong sân, trước ngõ nhà mình thì chúng ta vẫn chưa thành công trong chiến lược thu hút FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam sẽ bị chèn lấn, mất đi các cơ hội và không gian phát triển. Vậy nên, chúng ta cần đặc biệt hoan nghênh và nên có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp FDI chung tay với các nhà cung ứng nội địa để cộng sinh cùng thắng… 

Có rất nhiều việc chúng ta cần làm để đón làn sóng FDI thứ 4 tích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới Việt Nam. Và chúng ta cần sự chung tay của cơ quan chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, với những chủ trương, giải pháp cụ thể, từ quy hoạch, chính sách đến kết nối, thực thi...

Cuối cùng để kết thúc phát biểu đề dẫn có tính chất khởi động này, tôi đề nghị chúng ta cùng chúc mừng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của giải thưởng “Rồng Vàng”. Chúng ta cảm ơn nhũng người đầu tiên đã có ý tưởng và hiện thực hóa cuộc bình xét và trao giải này bền bỉ hàng năm để ghi nhận, tôn vinh, truyền cảm hứng cho các FDI. Tôi đặc biệt khâm phục việc Ban Tổ chức đã đặt tên giải này là “Rồng Vàng” như một thông điệp, ngay từ thủa ban đầu mở cửa, về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao vào Việt Nam. Ở Việt Nam và các nước châu Á, rồng là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh. Trao giải thưởng “Rồng vàng” chúng ta kỳ vọng các FDI vào Việt Nam cũng sẽ là những con rồng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Và công tác xúc tiến đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới chính là việc chuẩn bị hệ sinh thái để đón đàn rồng, để rồng nội, rồng ngoại có thể cộng sinh cùng phát triển bền vững ở đất nước này.

(*) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh; Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo PCI.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/don-lan-song-fdi-the-he-moi-chat-luong-cao-196024.html