Quảng Nam: Vẫn còn nợ đọng bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam, tình hình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã đạt được kết quả tốt, quyền lợi của người lao động và đối tượng thụ hưởng được đảm bảo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, để nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của toàn tỉnh trong tháng 3 là 223,213 tỉ đồng, giảm 37,281 tỉ đồng so với tháng 2.

Trong đó, nợ BHXH, BHYT, BHTN của khối doanh nghiệp hơn 210,586 tỉ đồng (giảm 14,350 tỉ đồng); nợ của các đơn vị Hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn...hơn 8,674 tỉ đồng (giảm 12,816 tỉ đồng); nợ tiền BHYT của các đối tượng do Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hơn 3,808 tỉ đồng (giảm 10,251 tỉ đồng).

Nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ hơn 130,831 tỉ đồng (1277 đơn vị), trong đó, nợ khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động...) với số tiền nợ hơn 36,247 tỉ đồng.

Tổng số nợ của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động có số tiền nợ từ 100 triệu đồng, hoặc số tháng nợ từ 12 tháng là 142,960 tỉ đồng.

So với tháng 2, số nợ có giảm nhưng vẫn còn cao, tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu khôi phục và dần ổn định sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên tình hình sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; dẫn đến việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động của các doanh nghiệp không kịp thời.