6 kinh nghiệm chống dịch COVID-19 rút ra sau đợt dịch ở Hải Dương

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch, với đợt dịch thứ 3 diễn ra tại Hải Dương. Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại một số nước, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra, chúng ta đã có tròn 21 ngày không có ca nhiễm tại cộng đồng và cuộc sống đã gần như trở lại bình thường. Đây là những nỗ lực rất lớn của bộ, ban, ngành và các địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Thành công chiến thắng đợt dịch thứ 3, theo Bộ Y tế, bài học lớn về chính trị là sự lãnh đạo của Đảng rất sát sao, mạnh mẽ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động các bộ, ban, ngành, người dân, triển khai phương châm bốn tại chỗ, chống dịch như chống giặc...

Sau đợt dịch tại Hải Dương, Bộ Y tế cũng đúc rút một số kinh nghiệm mang tính chuyên môn, kỹ thuật để khi có dịch xảy ra, chúng ta đặc biệt quan tâm, triển khai không lúng túng.

Thứ nhất, đó là kinh nghiệm cách ly và cách ly tập trung. Tại các địa phương khi có dịch, đầu tiên, thay vì lúng túng, chúng ta phải thực hiện cách ly tập trung và chuẩn bị quy mô cách ly lớn tới hàng nghìn người mới ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Thứ 2 là phải phong tỏa, khoanh vùng. Trong đợt dịch vừa rồi, chúng ta đã khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Trong tình huống cụ thể, ta không ngần ngại phong tỏa diện rộng, thí dụ như quyết định phong tỏa ngay Chí Linh, ngăn chặn mầm bệnh.

"Khi chúng ta thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng tại địa phương có dịch, phong tỏa diện hẹp với địa phương khác, đã làm giảm tác động tới các địa phương khác, giữ được đà tăng trưởng kinh tế trong đợt 1" - ông Long nhấn mạnh.

Thứ 3, về công tác truy vết, ngay từ đầu Việt Nam đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng. Nhưng khi có nhiều trường hợp hơn, việc truy vết khó khăn hơn thì bài học kinh nghiệm từ Hải Dương đó là sự vào cuộc của công an trong truy vết. Đây là một kinh nghiệm quý báu tại Hải Dương và hiện nhiều địa phương đã áp dụng.

Ông Long cho biết, tới đây, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho lực lượng công an triển khai truy vết tại các tỉnh, thành phố. Vì thế, khi xảy ra dịch, các lực lượng y tế, công an, tổ COVID-19 cộng đồng phát huy hiệu quả trong truy vết, cách ly.

Thứ 4 là kinh nghiệm về vấn đề xét nghiệm. Chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ chế, tài chính thật tốt, phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện trộn mẫu nếu số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đều yêu cầu các địa phương nâng cấp năng lực xét nghiệm lên trong thời gian ngắn, làm càng nhanh, khống chế dịch càng sớm.

Thứ 5 là chúng ta đã thành lập bệnh viện dã chiến rất nhanh. Thời kỳ đầu, Hải Dương cũng lúng túng về điều trị, nhưng chúng tôi đã yêu cầu thành lập ngay bệnh viện dã chiến tại Chí Linh. Chỉ trong hơn 15 giờ, với sự hỗ trợ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, Hải Dương đã thiết lập một bệnh viện dã chiến với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, đáp ứng tình hình dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải sử dụng cơ sở y tế sẵn có để thiết lập bệnh viện dã chiến, bảo đảm các nơi khám, chữa bệnh thông thường không bị ảnh hưởng, tập trung lực lượng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, việc điều phối nhân lực y tế trong lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, truy vết khoanh vùng, cách ly cũng phải được triển khai bài bản, mạnh mẽ.

Thứ 6, trong các đợt dịch xảy ra vừa qua, Bộ Y tế đã cắm lực lượng tiền phương tại chỗ, đánh giá tình hình trên thực tiễn, nắm chắc tình hình sẽ đưa ra quyết định sẽ phù hợp thực tiễn, kiểm soát tốt tình hình, điều phối lực lượng y tế trên địa bàn chống dịch.

"Qua thực tiễn điều hành, qua thành công khống chế ba đợt dịch, càng ngày chúng ta càng có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để điều hành chống dịch. Kinh nghiệm này rất quý báu với các địa phương, kể cả địa phương có nguy cơ thấp xảy ra dịch", Bộ trưởng nói.