Cải cách phân loại, phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp và hải quan cùng hưởng lợi

Tổng cục Hải quan triển khai Trạm Kiểm dịch di động phục vụ công tác kiểm tra hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh
"Thông tư 17/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 14/2015/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp”, ông Đỗ Văn Quang, Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, Thông tư 17/2021/TT-BTC (Thông tư 17) được Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ 12/4/2021) có những điểm cải cách quan trọng nào để khắc phục hạn chế trong hoạt động phân loại và phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu so với Thông tư 14/2015/TT-BTC?

 Ông Đỗ Văn Quang
 Ông Đỗ Văn Quang
Ông Đỗ Văn Quang: Điểm cải cách quan trọng của Thông tư 17 là thay vì thẩm quyền ban hành Thông báo kết quả phân tích phân loại thuộc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, để giảm thiểu thủ tục hành chính giữa các cấp, nâng cao trách nhiệm của đơn vị chuyên trách, Bộ Tài chính đã giao quyền cho Cục Kiểm định hải quan. Cụ thể, tại Thông tư 17 quy định: “Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan ký ban hành Thông báo kết quả phân loại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm định hải quan ký ban hành Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa”.

Việc phân quyền này nhằm nâng cao trách nhiệm của lực lượng kiểm định hải quan, đồng thời rút ngắn thời gian ban hành Thông báo kết quả phân tích phân loại hàng hóa (PTPL) so với trước đây.

Minh bạch về thời hạn thông báo kết quả cho doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thông tư 17/2021/TT-BTC quy định cụ thể, trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích, Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân tích phân loại (PTPL).

Trường hợp cơ quan hải quan gửi mẫu trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định thì trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, trường hợp mẫu hàng hóa phức tạp cần có thêm thời gian thì không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định hàng hóa, Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả PTPL. 
 
Điểm mới cải cách nữa tại Điều 9, Thông tư 17 là về hồ sơ yêu cầu PTPL, quy định: “Mỗi mặt hàng lập 1 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; trong hồ sơ yêu cầu phải có “tài liệu kỹ thuật của hàng hóa; doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 1 mẫu hàng hóa thì không lấy mẫu PTPL…”. Quy định mới này nhằm tạo thuận lợi cho công tác PTPL và hạn chế phát sinh yêu cầu DN bổ sung tài liệu kỹ thuật.

PV: Để việc thực hiện Thông tư 17 đảm bảo hiệu lực và hiệu quả, ông có đề xuất gì đối với DN và đơn vị hải quan tham gia trong quá trình giải quyết thủ tục thông quan, hạn chế được việc 1 mặt hàng áp 2 mã hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động XNK của DN?

Ông Đỗ Văn Quang: Để đảm bảo quyền lợi của mình, DN nên lưu ý về các quy định mới đối với hồ sơ yêu cầu PTPL (phải có tài liệu kỹ thuật kèm theo), số lượng mẫu gửi PTPL quy định tại Điều 9, Thông tư 17.

DN cần nắm vững trách nhiệm của mình trong việc khai báo hải quan, sử dụng kết quả PTPL của lô hàng đã được thông quan trước đó để khai tên hàng, mã số cho các lô hàng tiếp theo có cùng tên hàng, thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng, nhập khẩu từ cùng một nhà sản xuất... để cơ quan hải quan có cơ sở giải quyết nhanh chóng thủ tục thông quan hàng hóa.

Đối với các cục hải quan tỉnh, thành phố, thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 17, tích cực chủ động tra cứu cơ sở dữ liệu về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo việc gửi mẫu đúng đối tượng. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc liên quan đến thông báo kết quả PTPL do Cục Kiểm định Hải quan/Chi cục Kiểm định hải quan ban hành thì gửi hồ sơ về Cục Kiểm định hải quan/Chi cục Kiểm định hải quan để xem xét xử lý. Nếu thực hiện đồng bộ, thống nhất quy định tại Thông tư 17 giữa các cơ quan hải quan sẽ góp phần hạn chế được việc áp mã hàng hóa không thống nhất ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

PV: Thông tư 17 được ban hành với mục đích đơn giản thủ tục XNK vậy thông tư này tác động tích cực như thế nào đến Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo Quyết định 38/QĐ-TTg đang được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan khẩn trương triển khai, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Quang: Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại theo Quyết định 38/QĐ-TTg  và giao cho cơ quan hải quan làm đầu mối. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính, hiện nay Tổng cục Hải quan đang nỗ lực phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực triển khai các nội dung cải cách thủ tục KTCN. 

Trên thực tế, việc ban hành Thông tư 17 với nhiều cải cách cho công tác PTPL vào thời điểm này cũng hướng đến mục tiêu đơn giản thủ tục hành chính về hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN.  

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Kiểm định hải quan sẽ quán triệt và phối hợp với các đơn vị hải quan liên quan triển khai có hiệu quả Thông tư 17.  Trong đó, lưu ý đến quy định phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, Thông tư 17 sửa đổi, bổ sung như sau: Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời hạn quy định của pháp luật về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đơn vị kiểm định cũng tập trung nguồn lực, thời gian để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ mới liên quan đến nội dung tại Đề án cải cách KTCN, nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, qua đó bảo vệ lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng…

PV: Xin cảm ơn ông!
* Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ hải quan:

Ủng hộ và đồng hành với cải cách tạo thuận lợi về hải quan

 Ông Nguyễn Đức Dũng
 Ông Nguyễn Đức Dũng
Tôi đánh giá cao một số quy định nêu tại Thông tư 17/2021/TT-BTC được ban hành trên nguyên tắc kế thừa các nội dung của Thông tư 14/2015/TT-BTC, đã giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), theo hướng vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK); minh bạch căn cứ phân loại, phân tích hàng hóa và trách nhiệm hải quan.

Cụ thể, Thông tư 17/2021/TT-BTC nêu rõ, thông báo kết quả phân loại hoặc thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa là cơ sở để xác định mức thuế, thực hiện chính sách quản lý hàng hóa; được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. 

Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với thông báo kết quả phân loại hàng hóa hoặc thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa thì thực hiện khiếu nại theo Luật Khiếu nại hoặc trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 30 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Chúng tôi ủng hộ và đồng hành với những cải cách thủ tục hành chính, thông thoáng trong hoạt động XNK vì lợi của DN, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đúng theo chỉ đạo của Chính phủ.

 Theo Sơn Dương - Hải Linh(Thời báo tài chính Việt nam)

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-04-12/cai-cach-phan-loai-phan-tich-hang-hoa-xuat-nhap-khau-doanh-nghiep-va-hai-quan-cung-huong-loi-102339.aspx