Doanh nghiệp đua tuyển dụng lao động

Nidec Servo Việt Nam, một doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP HCM, cho biết đang cần tuyển thêm 30% lao động phổ thông. "Năm 2021, công ty đã có thêm nhiều đơn hàng đưa vào sản xuất nên cần nhân lực đáp ứng sự gia tăng này", bà Nguyễn Thị Nhật Tuyền, Trưởng phòng nhân sự của công ty cho biết.

Hay như ở Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), nhiều doanh nghiệp như Misa, TMA, Aegona, SPS...cũng nhộn nhịp đăng tin tuyển người từ tháng 3 đến nay. Gần nhất, TMA tuyển đến 100 Telecom Fresher cho dự án 5G & IoT.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) cũng cho biết, chỉ riêng TP HCM trong quý II này dự kiến cần thêm khoảng 68.600-73.500 vị trí công việc. Xu hướng tuyển dụng gia tăng ở lao động có trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,7%.

Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần.
 
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Thị trường còn chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế số. Nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các vị trí trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử", đơn vị này thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Tuyển dụng Adecco Hà Nội cũng cho biết, nhu cầu tuyển dụng đang ngày càng tăng cho một số vị trí như thiết kế vi mạch tương tự, thiết kế kỹ thuật số, DFT (thiết kế để kiểm tra) hay kỹ sư kiểm định, kỹ sư/quản lý chất lượng, kỹ sư/quản lý sản xuất cao cấp, kỹ sư/quản lý kỹ thuật, nhân viên, quản lý bán hàng & tiếp thị.

Tại "Báo cáo thị trường tuyển dụng 2020 & xu hướng tuyển dụng 2021" từ TopCV, có 66,9% doanh nghiệp được hỏi cho biết nhu cầu về nhân lực sẽ tăng lên trong năm nay. Con số này cho thấy sau một năm chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh, lũ lụt,... đa phần các công ty đều có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng nhân sự để phục hồi và phát triển trong năm 2021.

Cảng Gemalink - thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Đăng Khoa.

Cảng Gemalink - thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Đăng Khoa.

"Trong thời gian tới, sự kết hợp giữa làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam, khiến cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng tăng lên đáng kể", bà Nguyễn Thị Thu Phương dự báo.

Các chuyên gia trong ngành tuyển dụng thì cho rằng, vaccine đã mang lại sự khởi sắc cho thị trường lao động. Các chiến dịch tiêm chủng trên thế giới đang hứa hẹn một lối thoát cho kinh tế toàn cầu.

Đầu năm đến nay, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng cao, giúp các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và tham gia xuất khẩu hưởng lợi. Cụ thể, 68,6% doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế tạo đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn trong quý này so với quý IV/2020, theo khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê.

Động thái quyết liệt của chính quyền trung ương và địa phương cùng với những tín hiệu khả quan về vaccine tại Việt Nam cũng là "tia sáng" cho việc phát triển kinh tế, xã hội, theo bình luận của Falmi.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, bổ sung rằng các doanh nghiệp cũng đang bước vào giai đoạn bắt đầu quá trình tự phục hồi. "Các doanh nghiệp đang từng bước đẩy mạnh hoạt động kinh doanh với mong muốn nhanh chóng phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế trì trệ. Cùng với đó, về mặt tâm lý, chúng ta hiện đã thành thạo hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và đối phó với các lo âu do dịch bệnh", bà Hà nói.

Thị trường tuyển dụng ấm lên nhưng vẫn không dễ để tuyển người đúng nhu cầu, dù là lao động phổ thông hay chuyên gia. Bà Nguyễn Thị Nhật Tuyền tại Nidec cho biết, việc tuyển dụng đúng nhu cầu rất khó khăn vì nguồn cung lao động phổ thông tại TP HCM ngày càng ít dần.

"Đa số muốn làm công việc tự do như buôn bán online, nên việc tuyển dụng lao động phổ thông không dễ. Công ty có hợp tác các trung tâm cung ứng giới thiệu việc làm, nhưng vẫn rất khó để giới thiệu lao động cho các nhà máy", bà Tuyền cho biết.

Ngoài ra, nhân lực có trình độ trong nhiều ngành vẫn tiếp tục khan hiếm, đặc biệt là công nghệ thông tin. Theo đó, hơn 75% doanh nghiệp ngành này dự kiến đẩy mạnh tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tăng trưởng.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2021 so với 2020. Nguồn: TopCV.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp năm 2021 so với 2020. Nguồn: TopCV.

Đó là chưa kể lao động đang có xu hướng do dự hơn khi thay đổi nghề nghiệp vì họ quan tâm nhiều đến vấn đề ổn định trong công việc. "Trong khi tương lai ở công ty mới còn mơ hồ, việc ở lại nơi cũ - họ đã hiểu rõ chiến lược kinh doanh - dường như là lựa chọn hợp lý hơn", bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Adecco TP HCM lý giải việc tuyển lao động sau Tết không tăng đột biến như những năm trước.

Vì thế, theo các chuyên gia tuyển dụng, để tìm được đúng người có thể gắn bó lâu dài lúc này, bên cạnh hình thức phỏng vấn thông thường, nhà tuyển dụng nên thiết kế thêm các bài kiểm tra để đánh giá toàn diện sự phù hợp về tính cách, trí tuệ cảm xúc, khả năng hợp tác và khả năng đối phó với căng thẳng.

Ngoài ra, đảm bảo một môi trường làm việc an toàn cũng là yếu tố quan trọng hậu đại dịch. Cuộc khảo sát gần đây của Adecco về sự thay đổi trong kỳ vọng tại nơi làm việc sau đại dịch cho thấy 82% người tham gia đánh giá cao các quy định nghiêm ngặt về làm sạch và vệ sinh tại nơi làm việc.

Với những người tìm việc, ngoài những mối quan tâm thường gặp như gói lương thưởng, văn hóa hay chỉ tiêu công việc, ứng viên cũng nên quan tâm đến chiến lược kinh doanh, những hướng đi mới của doanh nghiệp sau đại dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nhân viên.

"Ở một mức độ nhất định, những yếu tố này sẽ quyết định liệu bạn có thể phát triển sự nghiệp và gắn bó với công việc mới hay không", Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Adecco TP HCM, nói.

Theo Viễn Thông(Vnexpress)

https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dua-tuyen-dung-lao-dong-4259559.html