Cần quy định gỗ hợp pháp là tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ mời thầu

Các chuyên gia tham luận, giải đáp tại hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại hội thảo “Bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam: Thực thi Hiệp định VPA-FLEGT”, do VCCI tổ chức ngày 31/3, tại Hà Nội.

Việt Nam cam kết sản phẩm gỗ xuất khẩu đi EU hợp pháp

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết ngày 19/10/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Với hiệp định này, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm lớn trong việc thực hiện quản trị rừng, cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững.

Mặc dù, hiệp định chỉ được ký kết với các đối tác EU nhưng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một cam kết mạnh mẽ. Theo đó, tất cả gỗ và các sản phẩm gỗ dù là xuất khẩu đi EU hay bất kỳ lãnh thổ và quốc gia nào khác hay tiêu thụ trong thị trường nội địa đều phải được đảm bảo là gỗ hợp pháp.

Trong quá trình nghiên cứu và rà soát các khung khổ pháp luật có liên quan về mua sắm công liên quan tới gỗ và các sản phẩm gỗ theo kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT,  ban hành kèm theo Quyết định 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, VCCI nhận thấy còn nhiều vấn đề tồn tại cần có sự sửa đổi pháp luật về đấu thầu và bổ sung các tiêu chí bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ.

Theo ông Phòng, từ thực tiễn rà soát do VCCI tiến hành đối với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2018 qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cho thấy: Có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất kỳ khía cạnh nào của tính hợp pháp của sản phẩm gỗ, ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu; 23% hồ sơ mời thầu có yêu cầu nào đó về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ mua sắm công, nhưng chỉ quan tâm tới một hoặc một số khía cạnh pháp luật mà không phải là tất cả pháp luật đều liên quan tới sản phẩm gỗ; 11% hồ sơ mời thầu yêu cầu đặt hàng gỗ tự nhiên, gỗ quý thuộc nhóm I, II nên rủi ro đặc biệt cao về tính bất hợp pháp.

“Như vậy, có thể thấy bên mời thầu trong các gói thầu hầu như không quan tâm tới vấn đề gỗ hợp pháp, thậm chí có các dấu hiệu mua sắm gỗ có rủi ro về tính hợp pháp”- ông Phòng nhấn mạnh.

Còn theo bà Trang, việc ký kết, thực hiện các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định VPA-FLEGT chính là sự thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trên sân chơi chung về hội nhập kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu kinh tế xã hội, nhu cầu đối ngoại và nhu cầu pháp lý nhằm tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam, VCCI đã đưa ra khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về quản trị rừng, thương mại lâm sản và hướng tới tính hợp pháp của hàng hóa dịch vụ trong pháp luật đấu thầu về lâm nghiệp.

74% nhà thầu dùng gỗ quý nhập khẩu

Qua khảo sát các nhà thầu cung ứng gỗ cho các gói thầu mua sắm công, bà Trang cho biết, có tới 74% nhà thầu cho biết từng dùng gỗ quý nhóm I, II nhập khẩu và 50% từng dùng gỗ quý trong nước. Trong đó, 80% các nhà thầu cho biết, việc sử dụng gỗ quý là theo yêu cầu của bên mời thầu. Điều đó chứng tỏ, nguyên nhân mua sắm sản phẩm gỗ không đảm bảo tính hợp pháp và có yếu tố rủi ro xuất phát từ bên mời thầu.

Để bảo đảm gỗ hợp pháp trong các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ, qua đó thực hiện đúng cam kết Hiệp định VPA-FLEGT, pháp luật đấu thầu Việt Nam cần thiết phải quy định về gỗ hợp pháp như là tiêu chí bắt buộc trong hồ sơ mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Một khi có quy định “cứng” của pháp luật, bên mời thầu sẽ phải tuân thủ và đưa ra yêu cầu tương ứng với nhà thầu về gỗ hợp pháp.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về mua sắm công sản phẩm gỗ, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, nên ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng trong đấu thầu mua sắm công các sản phẩm gỗ ở Việt Nam.

Có thể thí điểm chính sách bắt đầu từ các địa phương với việc lựa chọn địa bàn, lựa chọn ngành, lựa chọn nhóm sản phẩm và kêu gọi sự trợ giúp về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế. Những bài học kinh nghiệm từ thí điểm sẽ làm đầu vào xây dựng chính sách quốc gia trên toàn quốc./. 

Theo Văn Nam(Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-03-31/can-quy-dinh-go-hop-phap-la-tieu-chi-bat-buoc-trong-ho-so-moi-thau-101819.aspx