Không chỉ là vấn đề bảo vệ môi trường, nội hàm của phát triển bền vững (PTBV) còn bao trùm lên khía cạnh kinh tế và xã hội. Một quốc gia PTBV chính là quốc gia có được sự tự cường về kinh tế, sự hài lòng và tự hào trong mỗi người dân, cũng như một môi trường sinh thái được gìn giữ, nâng niu. Đó cũng chính là cách hiểu đúng và toàn diện về PTBV.

Dấu chân khai phá…

Năm 2019, lần đầu tiên Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch PTBV khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2020, Nghị quyết đầu tiên về PTBV cũng đã được ban hành.

Để có được những chính sách quan trọng nói trên không thể thiếu những đóng góp của VCCI – cơ quan đại diện cho tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp - trong khuyến nghị chính sách và những nỗ lực miệt mài trong hành trình 10 năm PTBV doanh nghiệp mà VBCSD đã tiên phong khởi xướng.

Lật lại từng trang trên hành trình đó có thể thấy rõ những “dấu chân khai phá” VBCSD đã tạo ra. Góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy kinh doanh, giúp phần lớn doanh nghiệp Việt từ hiểu mơ hồ đến hiểu đúng và thực hiện PTBV toàn diện.

Xây dựng và thúc đẩy áp dụng công cụ quản trị doanh nghiệp bền vững đầu tiên tại Việt Nam – Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) từ năm 2016, từ đó đưa khái niệm quản trị doanh nghiệp bền vững tiệm cận cộng đồng doanh nghiệp không phân biệt quy mô.

Nhanh chóng giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) – hiện là một mô hình rất mới và sẽ là hướng đi của các nền kinh tế thế giới – đến với doanh nghiệp Việt Nam. Góp phần đưa PTBV trở thành tiếng nói xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị, xã hội và doanh nghiệp thông qua các hoạt động đối thoại và kiến nghị chính sách về PTBV như Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững, hay Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.

Hội đồng VBCSD nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập

Thập kỷ của hành động…

Thập niên 2021-2030 được Liên hợp quốc đặt tên là “Thập kỷ của hành động”. Bởi để có thể hiện thực hóa được 17 Mục tiêu PTBV đầy tham vọng trong 10 năm tới đây, chúng ta buộc phải hợp tác và hành động mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Từ phía VBCSD-VCCI, chúng tôi sẽ đầu tư nguồn lực để xây dựng một Hệ sinh thái PTBV doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, VBCSD sẽ phân cấp Bộ chỉ số CSI thành các phiên bản cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau, thay vì một phiên bản chung như hiện nay, giúp tối đa hóa khả năng và hiệu quả áp dụng Bộ chỉ số trong từng doanh nghiệp.

Đồng thời, VBCSD cũng phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để xây dựng Bộ chỉ số CSI riêng biệt cho từng lĩnh vực, dựa trên kinh nghiệm xây dựng thành công CSI cho ngành da giày và thủy sản. Thực hiện tốt quản trị doanh nghiệp chính là nền tảng chắc chắn nhất cho doanh nghiệp tăng trưởng trong dài hạn.

Cùng với đó, một Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ Doanh nghiệp Phát triển bền vững cũng sẽ được xây dựng, cung cấp các dịch vụ đào tạo, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, cũng như tư vấn doanh nghiệp triển khai các mô hình kinh doanh bền vững – đặc biệt là mô hình KTTH, tư vấn lập báo cáo bền vững dựa trên Bộ chỉ số CSI, tư vấn lập báo cáo theo khung yêu cầu ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị),...

Đứng trước một hiện tại và tương lai “bình thường mới”, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần một tư duy kinh doanh mới: chủ động, gắn kết và thích ứng. Thập kỷ mới sẽ là thập kỷ nơi các giá trị kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh có đạo đức hay chính là kinh doanh bền vững lên ngôi.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/vung-buoc-su-menh-phat-trien-ben-vung-doanh-nghiep-190355.html