Kiên định cải cách để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp vừa đông, vừa "khoẻ"

Infographics: T.L Nguồn: TTXVN

góp phần giữ nhịp tăng trưởng của đất nước năm 2020. Đây là nền tảng quan trọng để tạo đà đưa đất nước bước lên những “nấc thang” cao hơn trong những thập niên phát triển tiếp theo. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ với phóng viên TBTCVN trong cuộc trò chuyện đầu Xuân mới.

PV: 2020 là một năm đầy biến động với nền kinh tế, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhìn lại năm qua, ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” của DN Việt?

Ông Vũ Tiến Lộc: Cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế năm 2020 do đại dịch Covid-19 được đánh giá là cú sốc bất lợi nhất trong hơn một thế kỷ đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhìn trong toàn nền kinh tế thì cộng đồng DN là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo một kết quả khảo sát của VCCI và Ngân hàng Thế giới thực hiện cuối năm 2020, hơn 80% DN Việt bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 và hơn 72% DN bị sụt giảm doanh thu năm 2020 do dịch bệnh…

 

Ông Vũ Tiến Lộc

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh khó khăn chưa từng có tiền lệ đó, cộng đồng DN Việt đã phát lộ khả năng thích ứng, sức chống chịu phi thường trước những cú sốc, khủng hoảng bất định của thị trường. Biểu hiện là phần lớn DN vẫn cố tìm mọi cách để tồn tại, giữ công ăn, việc làm cho người lao động, thậm chí nhiều DN còn trụ vững khá tốt và tìm được nhiều cơ hội kinh doanh mới trong bối cảnh khó khăn… Nhờ khả năng thích ứng nhanh nhạy và nỗ lực kiên cường vượt khó khăn của cộng đồng DN, đã góp phần giúp nền kinh tế đất nước đạt được mức tăng trưởng 2,91% năm 2020, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những “điểm sáng” trong bức tranh u ám của kinh tế toàn cầu.

Tôi tin nếu không có sức chống chịu tốt, khả năng linh hoạt ứng phó của các DN Việt thì nền kinh tế không có được thành quả rất đáng tự hào này. Tôi cũng tin rằng, bây giờ sự hấp dẫn của Việt Nam không còn chỉ là vị trí địa chính trị, dân số vàng, thị trường nội địa rộng lớn… mà còn là sức chống chịu, khả năng thích ứng của DN, nền kinh tế Việt Nam. Nói những điều trên để khẳng định rằng, đánh giá “bức tranh” DN Việt năm 2020, chúng ta cần phải dành sự khen ngợi và cảm ơn cộng đồng DN vì những sự đóng góp cho tăng trưởng đất nước trong một năm khó khăn chất chồng.

PV: Đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức” và dịch Covid-19 như một lần “thử lửa” đối với DN Việt - lực lượng chủ chốt của nền kinh tế. Như vậy có phải chúng ta có thêm cơ sở để kỳ vọng đất nước có thể hiện thực hóa mục tiêu “hóa rồng, hóa hổ” trong những thập niên phát triển tiếp theo, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, DN luôn là “xương sống” của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đất nước tiến đến những “nấc thang” phát triển càng cao thì đòi hỏi “xương sống” ấy càng phải khỏe hơn, phải vững chắc hơn.

Nhìn lại hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ DN Việt đã hoàn thành sứ mệnh của mình là đưa đất nước “thoát nghèo”. Bước vào đổi mới, năm 1989 GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020 thì quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD; trong khu vực ASEAN, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã đứng thứ 4…, sau hơn 35 năm đổi mới, “bộ mặt”, diện mạo nền kinh tế có thể nói đã đổi khác rất nhiều. 

Tuy nhiên, khi đất nước đã “sang trang” và phấn đấu bước lên những “nấc thang” phát triển cao hơn, thì trọng trách đặt lên vai đội ngũ DN càng lớn hơn, nặng nề hơn và cao cả hơn. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên hùng cường, “hóa rồng, hóa hổ”, đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực của toàn nền kinh tế, trong đó lực lượng DN đóng vai trò chủ công. Tin tưởng rằng, cộng đồng DN sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường trong những thập niên phát triển sắp tới.

PV: Ở chiều ngược lại, để làm “bệ đỡ” cho cộng đồng DN phát triển và nâng cấp về chất lượng, phải chăng cũng cần một làn sóng cải cách tiếp theo trong giai đoạn tới, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những nỗ lực đồng bộ và toàn diện, tạo hệ sinh thái và môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển. Chúng ta còn nhớ, ngay sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng DN, mang theo tuyên ngôn của Chính phủ mới: “Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN”.

Tiếp sau đó, Chính phủ đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, rồi loạt Nghị quyết số 19/NQ-CP (sau này là Nghị quyết số 02/NQ-CP) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ra đời, với tư cách là một chương trình hành động liên tục của Chính phủ hướng tới mục tiêu Việt Nam phải trở thành 1 trong 3 - 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu của ASEAN… Các nghị quyết này đã thực sự trở thành nền tảng để hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển của DN trong thời gian qua. Đồng thời’ đánh dấu sự thành công của Chính phủ trong việc thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, phát triển DN lần thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực, bước tiến của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, DN vẫn còn gặp khá nhiều rào cản trong quá trình phát triển, khiến DN Việt về cơ bản là “chậm lớn” so với DN của nhiều nước trong khu vực. Thực tiễn đó đòi hỏi cần có một làn sóng cải cách tiếp theo trên chặng đường phát triển sắp tới.

Cộng đồng DN kỳ vọng Đảng, Chính phủ tiếp tục kiên định con đường đổi mới, đẩy mạnh cải cách và xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tâm đồng hành, hỗ trợ DN phát triển…, tạo nên cộng đồng DN vừa đông, vừa “khỏe”, để tạo thế “sâu rễ, bền gốc” cho nền kinh tế Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Khẳng định sức chống chịu mạnh mẽ

Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước “thoát nghèo”. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh làm cho đất nước hùng cường trong những thập niên phát triển sắp tới. Niềm tin ấy không phải là vô cớ, bởi lẽ, nhìn vào cách DN Việt tự làm mới những phương thức hoạt động, kinh doanh của mình, thậm chí linh hoạt chuyển hướng kinh doanh… trong bối cảnh khó khăn đặc biệt thời Covid-19 cho thấy, DN Việt Nam đã chứng minh được bản lĩnh kiên cường, linh hoạt, đổi mới sáng tạo… dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Đây cũng là những tố chất cần có của thế hệ doanh nhân trong bối cảnh phát triển mới. Với những tố chất được tôi luyện qua mỗi lần “thử lửa” như dịch Covid-19 của DN Việt sẽ góp phần làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế và cao hơn nữa là tạo nên giá trị cốt lõi, sức bật cho nền kinh tế trong những thập niên phát triển tiếp theo, hướng đến mục tiêu Việt Nam sẽ “hóa rồng, hóa hổ” trong một tương lai không xa...

Theo Diệu Thiện (Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-02-04/kien-dinh-cai-cach-de-tao-nen-cong-dong-doanh-nghiep-vua-dong-vua-khoe-99415.aspx