“Bộ Tài chính giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát thành công”

Những biện pháp quyết liệt đã giúp cho giá cả một số mặt hàng thiết yếu giảm.

Những biện pháp quyết liệt đã giúp cho giá cả một số mặt hàng thiết yếu giảm và chúng ta đã đạt mức lạm phát trong khuôn khổ mục tiêu Quốc hội đề ra. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN.

PV: Năm 2020, công tác quản lý điều hành giá đã thành công khi giữ lạm phát ở mức 3,23%. Nếu nhìn trong bối cảnh ở thời điểm tháng 1/2020, khi CPI lên tới 6,43%, rồi tình hình dịch bệnh, thiên tai phức tạp ảnh hưởng tới giá cả nhiều hàng hóa thiết yếu, ông có nhận xét như thế nào về việc chỉ số giá tiêu dùng đạt thấp hơn mục tiêu đề ra? 

Ông Nguyễn Minh Phong: Năm 2020 chúng ta phải đối diện với áp lực chưa từng có, trong đó có áp lực về lạm phát, nhất là tháng đầu năm. Trong nửa đầu năm 2020, chúng ta phải đối diện với 2 yếu tố, đó là tiếp tục tăng tổng cầu sau tết, khan hiếm một số mặt hàng sau dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, những mặt hàng như khẩu trang y tế và thịt lợn tăng, đã khiến lạm phát đầu năm tăng rất cao.

phong 
  Ông Nguyễn Minh Phong

Tuy nhiên, những tháng tiếp theo, sự điều hành đã trở nên linh hoạt, hiệu quả hơn trên cơ sở chúng ta vừa tái đàn lợn, vừa tăng cung, vừa nhập khẩu và đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền, dùng các biện pháp về thị trường… để giúp điều hòa và giảm bớt đầu vào, tránh hiện tượng té nước theo mưa hoặc đầu cơ găm hàng giữ giá.

Những biện pháp quyết liệt đó đã giúp cho giá vật tư y tế giảm nhanh, giá thịt lợn cũng giảm dần và chúng ta đã đạt mức lạm phát dù là cao nhất trong 5 năm qua, nhưng là tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt vẫn trong khuôn khổ theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

PV: Nhìn lại 5 năm qua, lạm phát đã được kiểm soát thành công, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) khi đảm trách nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo Điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ?


Ông Nguyễn Minh Phong: Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ về điều hành giá, đã thể hiện năng lực, trách nhiệm và đặc biệt, kinh nghiệm phản ứng thị trường rất tốt. Thông qua các biện pháp điều chỉnh thuế linh hoạt, xử lý các tình huống tăng - giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cũng như kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu để giữ được mặt bằng chung. Đây là một trong những thành công trong điều hành của Bộ Tài chính, đã góp phần thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong thời gian qua.

Điều thứ hai tôi muốn nói đến đó là các chính sách về đầu tư, trong đó có đầu tư công, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, vừa gia tăng nguồn lực cho xã hội, cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời không tạo ra lạm phát tiền tệ quá lớn (dù năm 2020 là năm mà áp lực đối với tiền tệ rất rõ), đã thể hiện thành công trong điều hành có vai trò của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó tôi cho rằng, với tư cách là cơ quan tham mưu, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và thực hiện thông tin tuyên truyền hiệu quả, giúp cho thị trường, doanh nghiệp, người dân có được các thông tin chính xác, cập nhật, để từ đó xử lý các tình huống phù hợp. Điều này có tác dụng quan trọng trong việc kiểm soát mặt bằng giá cả và tránh lạm phát kỳ vọng.

PV: Theo ông, công tác dự báo đối với việc quản lý, điều hành giá thời gian qua đã được thực hiện tốt hay chưa?

Ông Nguyễn Minh Phong:
 Đúng là công tác dự báo năm 2020 có nhiều tiến bộ. Qua thực tiễn điều hành năm 2020, chúng ta thấy công tác dự báo đã được thực hiện tốt, như dự báo giá thịt lợn, các xu hướng giá vật tư, gạo, cũng như một số hàng hóa thiết yếu. 

Không chỉ dự báo giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, công tác dự báo thời gian qua đã được thực hiện tốt thông qua việc dự báo lạm phát. Với việc lên phương án các kịch bản lạm phát, từ đó có những kịch bản điều hành phù hợp, đã góp phần giữ lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

PV: Ông dự báo như thế nào về lạm phát năm 2021, liệu trong năm này có nhiều áp lực lên việc điều hành giá hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, lạm phát năm 2021 tiếp tục cao, đó là hệ quả của các giải pháp về tài chính, tiền tệ trong nước cũng như thế giới. Đây là một trong những áp lực lạm phát lớn nhất.

Ngoài ra, lạm phát có thể gia tăng do áp lực của giá dầu, vì dự kiến giá dầu thế giới sẽ phục hồi trong năm 2021, gắn liền với xu hướng tăng giá của đô la và vàng, có thể ảnh hưởng tới lạm phát.

Năm 2021 cũng là năm có thể sẽ có thêm chính sách làm tăng chi phí đẩy cho doanh nghiệp, do đó tạo áp lực tăng chi phí đẩy. Có nhiều đánh giá đưa ra, nhưng chúng tôi dự báo lạm phát vẫn giữ ở mức dưới 4% như mục tiêu đề ra. 

Theo Minh Anh(Thời báo tài chính Việt nam)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-01-13/o-tai-chinh-giu-vai-tro-quan-trong-trong-kiem-soat-lam-phat-thanh-cong-98268.aspx