LTS: Thủ tướng chỉ đạo, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn.

Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã rất cầu thị và lắng nghe những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật. Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng và được đánh giá cao

Từ xây dựng chính sách

Với chủ trương xây dựng Nhà nước Kiến tạo, trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tập trung xây dựng thể chế. Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ là “thể chế, thể chế và thể chế”.

Từ Nghị định 161/2005, Nghị định 24/2009 cho đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2015 đã ghi nhận trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI đối với các dự thảo VBQPPL.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Về pháp luật kinh tế quốc tế, Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế đã xác định quyền tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu khả thi; trong giai đoạn đàm phán và quyền hạn và trách nhiệm đầu mối tập hợp ý kiến doanh nghiệp VCCI trong giai đoạn đàm phán.

Điều này cho thấy, Nhà nước ta rất coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình soạn chính sách và VCCI đã thể hiện được vai trò đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động này. Cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ý kiến thông qua VCCI dưới nhiều hình thức đa dạng.

Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp VCCI đã tham gia tích cực vào các ban soạn thảo, tổ biên tập, ban thẩm định, thẩm tra, các tổ công tác để đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh. Chủ tịch VCCI là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, là Tổ phó tổ công tác rà soát văn bản pháp luật, Tổ phó tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp…

Mỗi năm VCCI góp ý cho hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật; gửi hàng trăm đề xuất, kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ trì hàng trăm hội nghị, hội thảo góp ý xây dựng pháp luật và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Đến giám sát thực thi

Trong hoạt động giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật, từ hơn 15 năm trở lại đây, VCCI đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát điều tra quy mô lớn phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành kinh tế, kinh doanh ở Việt Nam. VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động phản ánh tiếng nói từ phía cộng đồng đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Mà điển hình là các cuộc khảo sát kết quả thực thi Nghị quyết 09, Nghị quyết 02, Nghị quyết 35, các các cuộc khảo sát chuyên đề như cải cách hành chính ngành thuế, hải quan... và cuộc khảo sát thường niên hàng năm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI là các ví dụ điển hình.

Một trong những vai trò của VCCI thực hiện trong thời gian qua là đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, là cầu nối thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý. Trong quá trình thực thi chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội, thậm chí là chính quyền địa phương đã thông qua VCCI để nêu lên những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật kinh doanh.

Những hoạt động trên đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tiến trình cải cách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó cũng nhận thấy rằng vai trò rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, thi hành pháp luật và là nguồn quan trọng thúc đẩy cải cách từ phía các Bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên thì công tác xây dựng và thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung khắc phục. Do đó, VCCI có một số đề xuất như: nâng cao năng lực của các hiệp hội trong hoạt động góp ý và phản biện chính sách; tăng cường tính minh bạch của hoạt động xây dựng VBQPPL; xây dựng cơ chế để nâng cao tính trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo chính sách, đặc biệt ràng buộc trách nhiệm cá nhân và tổ chức có liên quan.

Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Thủ tướng đánh giá, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác này. Cụ thể, “vòng đời” của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa; công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế; vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả…

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Việc xây dựng luật pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do liên quan rất lớn; phải làm sao bảo đảm tự do kinh doanh, giải phóng sức sản xuất cho nhân dân, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm…

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/doanh-nghiep-va-tam-anh-huong-the-che-186487.html