ACV có thể dùng hết tiền mặt tích luỹ 5 năm cho dự án sân bay Long Thành

Theo phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư dự án thành phần 3 gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hệ thống giao thông kết nối. Tổng mức đầu tư trên 99.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp và không bảo lãnh Chính phủ.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, vốn đầu tư này gấp 1,7 lần tổng tài sản của ACV vào cuối quý III. Do đó, doanh nghiệp dự kiến bố trí tài chính cho giai đoạn 1 bằng 36.000 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích luỹ trong giai đoạn 2020-2025.

"Điều này đồng nghĩa ACV sẽ tiêu hết toàn bộ khoản tiền mặt tích luỹ trong vòng 5 năm qua", chuyên gia VNDirect nói và cho rằng thu nhập từ bình quân lãi tiền gửi ngân hàng giảm 44,3% một năm trong giai đoạn 2020-2025, dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng nặng.

Giai đoạn 2018-2019, khoản thu nhập này đóng 16-19% vào lợi nhuận trước thuế. Thậm chí chín tháng đầu năm nay, khoản lãi tiền gửi hơn 1.630 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái trở thành "cứu cánh" cho công ty khi hoạt động kinh doanh cốt lõi bị tác động tiêu cực vì dịch bệnh.

Nhóm phân tích ước tính ACV sẽ vay khoảng 60.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu trong 5 năm tới, nâng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu từ 0,4 lần vào cuối năm nay lên 1,3 lần vào năm 2025.

Trước đó, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch ACV cho biết, ngoài tiền mặt, phần vốn đầu tư còn lại sẽ được huy động bằng nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp thị trường trong nước và quốc tế... Hiện có 12 tổ chức ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.

Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, theo VNDirect, sẽ đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh của ACV. Trong trường hợp dự án hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2025, ACV sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh sau đó một năm. Đến khi hoạt động hết công suất vào 2030, dự án đóng góp 5,4% và 19,8% tổng sản lượng hành khách trong nước và quốc tế của doanh nghiệp.

Cổ phiếu ACV đang giao dịch ở vùng 71.600 đồng, nhưng theo đánh giá của nhóm phân tích này, giá mục tiêu có thể lên 88.200 đồng. Hai rủi ro có thể khiến đà tăng chững lại là dịch bệnh kéo dài khiến các đường bay quốc tế chưa hoạt động trở lại và tiến độ xây dựng sân bay Long Thành chậm hơn dự kiến.

Theo Phương Đông(Vnexpress)

https://vnexpress.net/acv-co-the-dung-het-tien-mat-tich-luy-5-nam-cho-du-an-san-bay-long-thanh-4198736.html