Triển khai thực hiện Nghị định 126: Thận trọng để tránh những xáo trộn

Buộc doanh nghiệp nộp 75% thuế là quá ngặt nghèo

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Nguyễn Chương (Công ty Ifusion, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các linh kiện điện tử có văn phòng ở quận 1, TPHCM) nêu quan điểm, đa phần văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay là bỏ tiền ra kinh doanh đầu tư mua bán ở giai đoạn đầu năm, cuối năm mới là thời điểm thu dòng tiền đó thông qua công nợ.

Và vào thời điểm đó, con số lời lỗ của doanh nghiệp như thế nào mới thực sự là chuẩn xác để có cơ sở kê khai nộp thuế. Lợi nhuận tăng cao vào cuối năm do đặc thù kinh doanh chứ không hẳn là lỗi do doanh nghiệp gây ra.

Do đó anh Nguyễn Chương cho rằng, ở những tháng đầu năm, rất khó cho doanh nghiệp kê khai nộp thuế vì chưa nắm rõ con số lời lãi cụ thể. Số thuế mà họ có nộp tạm cũng chỉ là dự báo, ước lượng trên cơ sở dự báo tình hình kinh doanh. Do vậy, nếu ấn luôn quy định phải nộp 75% thuế cả năm vào cuối quý III theo quy định của Nghị định 126 mà không lường hết các biến động trong kinh doanh của doanh nghiệp là quá ngặt nghèo.

Thêm vào đó, nếu so với các quy định hiện hành về quản lý thuế, quy định mới trong Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5.12 tới đây đang giao khó cho doanh nghiệp.

Theo anh Chương, hiện nay nếu hiểu theo quy định, những người bị cơ quan thuế chỉ mặt điểm tên cũng phải gánh chịu thêm rủi ro là mọi giao dịch trong tài khoản đều được tính chung vào là hoạt động buôn bán. Lấy ví dụ, tài khoản của doanh nghiệp trong năm có một khoản tiền lớn được trả nợ vì chủ tài khoản trước đó đã cho vay mượn, nhưng vì ngân hàng hay cơ quan thuế không thể tách bạch số tiền trên phát sinh từ đâu nên có thể đặt nghi vấn là giao dịch mua bán, trốn thuế và yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản.

Phải để người dân có quyền khiếu nại đúng, sai

Trong khi đó theo Luật sư Nguyễn Thanh Nhã - Văn phòng Luật DBS, thiết nghĩ trước khi Nghị định 126 có hiệu lực vào đầu tháng 12 này, cơ quan có trách nhiệm cần giải thích rõ cho người dân biết để họ yên tâm và tránh những xáo động không đáng có. Thực tế hiện nay một số ngân hàng cũng cho rằng họ phải tuân thủ luật chuyên ngành, tức Luật Các tổ chức tín dụng mà theo luật này thì ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản và các giao dịch của khách hàng cho ai, trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ thực tế này, cần làm rõ cơ quan thuế có phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp này hay không bởi trước nay ngân hàng hiểu đó là cơ quan công an điều tra, viện kiểm sát hay lệnh của tòa án mà thôi. Vì vậy, Chính phủ phải có quy định nêu rõ cơ quan thuế chỉ được phép sử dụng thông tin của khách hàng do phía ngân hàng cung cấp với mục đích để xác định nghĩa vụ thuế.

Đồng thời cơ quan thuế cũng phải có quy trình đảm bảo thông tin của người dân. Điều này nhằm tránh việc nhân viên cơ quan thuế có thể lợi dụng để lấy thông tin do ngân hàng cung cấp sử dụng vào những mục đích khác.

Riêng đối với việc ngân hàng, thực hiện khấu trừ thuế trên tài khoản khách hàng, theo Luật sư Nguyễn Thanh Nhã thì cần xem lại quy định này. Vì cần lưu ý rằng ngân hàng thương mại chỉ là trung gian thực hiện các giao dịch, nếu có, giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, chẳng hạn như thực hiện lệnh chuyển tiền (để nộp thuế) của chủ tài khoản đến một tài khoản chỉ định bởi cơ quan thuế.

Ngân hàng thương mại không phải, không thể và cũng không có thẩm quyền cũng như tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của cơ quan thuế. Nên những việc như tự động khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế,... là những công việc không phải của ngân hàng thương mại, trừ khi được cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản cho từng đối tượng cụ thể mà ngành thuế giám sát, theo dõi.

Hơn nữa nếu cơ quan thuế đã có quyết định truy thu thuế thì vẫn phải để cho người dân có quyền khiếu nại đúng hay sai. Nếu cơ quan thuế đúng thì người dân sẵn sàng nộp thuế nhưng nếu cơ quan thuế sai mà ngân hàng đã thu thì người dân không thể theo đuổi khiếu kiện để lấy lại tiền của mình. Luật sư Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh đây là vấn đề cần được xem xét rất kỹ khi triển khai thực hiện Nghị định 126 vào trong thực tế.

Cần làm rõ thẩm quyền cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng

Theo quy định tại Điều 14, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Với quy định này, đại diện một số ngân hàng cho hay, các ngân hàng hiện vẫn thực hiện cung cấp các thông tin về tài khoản của khách hàng khi nhận được yêu cầu của các cơ quan hành pháp, tư pháp như cơ quan cảnh sát điều tra, công an hay tòa án. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Nghị định 126, cần làm rõ việc cơ quan thuế vốn không thuộc nhóm cơ quan hành pháp hay tư pháp lại yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng cũng như có thông tư hướng dẫn cụ thể để các ngân hàng có cơ sở triển khai. Cẩm Hà