Tham dự Diễn đàn, về phía Cơ quan Trung ương có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương; ông Phạm Hoàng Tiến – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, VCCI; bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, VCCI; bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An; Về phía Facebook có ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, Facebook khu vực châu Á – Thái Bình Dương; bà Nguyễn Phương Chi – Quản lý chính sách công Việt Nam;

Về phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ông Đoàn Mạnh Hà – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An; bà Nguyễn Thị Xuân Anh – Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Trần Vĩnh Quý – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ cùng đại diện của hơn 150 các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hẹp thị trường. Tuy nhiên, ông cho rằng, COVID-19 cũng là cơ hội để thúc đẩy công nghệ thông tin, số hóa trên tất cả mọi lĩnh vực từ sản xuất dịch vụ, hoạt động thương mại đến học tập, kế nối của con người khiến cho dòng chảy kinh tế không bị gián đoạn. “Trước tình hình đó, việc doanh nghiệp tiếp cận và phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến, gia tăng xu hướng chuyển dịch thị trường, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số để tiết kiệm chi phí và thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế là một trong những hướng đi và giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Phòng nhấn mạnh.


Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cam kết chính quyền sẽ cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của thiên tai vừa qua. Ông Hoa cho biết, chính quyền đã tạo mọi điều kiện, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính; sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách về thu hút đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong năm 2020, Nghệ An đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An, đặc biệt là có 04 doanh nghiệp đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Nói về những nỗ lực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Hoa đánh giá cao vai trò của VCCI đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua thông qua các hoạt động mà VCCI tổ chức, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức về quản trị, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Diễn đàn này là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung thảo luận, tìm kiếm các giải pháp tối ưu để khắc phục khó khăn trong đại dịch và đẩy nhanh tốc độ phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới”, ông Hoa nói. 

Quản lý Chương trình Chính sách, Facebook khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Ruici Tio chia sẻ, Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội và vượt qua những thách thức, tiếp cận được các phương pháp, công cụ và các giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Diễn đàn cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh một cách toàn diện trong nền kinh tế số và trạng thái bình thường mới.

Theo ông Ruici Tio, đại dịch đã minh chứng cho giá trị của sự kết nối, các cơ hội kinh doanh được tạo ra bởi một mạng Internet rộng mở và dễ tiếp cận cũng như vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn dĩ rất dễ bị tổn thương thì Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME-PC) đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp cơ hội tiếp cận và xây dựng kỹ năng cho các doanh tại tỉnh Nghệ An. Đây cũng là nơi cung cấp đào tạo và tạo cơ hội hợp tác giúp chúng ta đáp ứng những thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế toàn diện.


Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tại Diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội vượt qua thách thức, tiếp cận được các phương pháp, công cụ và các giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, sau đại dịch vừa qua, các doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều ngành nghề bị tê liệt. Đó lại chính là cơ hội cho môi trường trực tuyến, mạng xã hội phát huy hết công dụng, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này cho mua bán và kinh doanh trực tuyến. Thương mại điện tử ở nước ta đã phát triển rất tốt trong thời gian vừa qua với tăng trưởng hơn 30%/năm, đặc biệt năm 2020 dự báo tăng trưởng trên 40%. 

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW có cái nhìn khá lạc quan cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Đại dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp, làm cho kế hoạch kinh doanh bị thay đổi, nguồn tiền cạn kiệt, nguồn nhân lực khó khăn nhưng đây cũng là dịp để doanh nghiệp tự cơ cấu lại để có năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng tốt hơn. Với hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký, có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động nghĩa là tỷ lệ “sống sót” cao trên 60% so với 55% của cả nước là những tín hiệu lạc quan cho Nghệ An. 

Theo ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Nghệ An là điểm đầu tiên có kết nối cung cầu công nghệ. Các doanh nghiệp có thể tìm cố vấn, nhà khoa học, chuyển giao công nghệ, mua sắm thiết bị… qua môi trường trực tuyến. Về chính sách, ngày 22/07/2020 tỉnh nhà đã có Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân Trẻ Nghệ An Trần Vĩnh Quý bộc bạch, với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phục hồi thì “anh tài không bằng dài vốn”. Hiện doanh nghiệp tại Nghệ An, nhất là DNNVV đang rất cần vốn để duy trì chứ chưa nói đến phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Tuy vậy, có nhiều dấu hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp trong việc dịch chuyển sang chuyển đổi số, bán hàng online, kết nối các ứng dụng và hình thành các nhóm làm việc trên nền tảng Facebook. Vậy nên, vai trò của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, từ việc vận hành thủ công truyền thống sang số hoá là một thử thách không mấy dễ chịu, cộng thêm tâm lý ngại đổi mới của chủ doanh nghiệp và nhân viên khiến doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Nghệ An ông Đoàn Mạnh Hà cho biết, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng như: Cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tối đa chỉ 5,5%/năm… Các tổ chức tín dụng đã có nhiều chính sách có lợi cho doanh nghiệp tuỳ vào năng lực của mình. 

Đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Xuân Anh cho rằng: Kinh tế số hứa hẹn mang lại cơ hội cho nhiều DNNVV và siêu nhỏ. Các nền tảng thương mại điện tử có thể đưa doanh nghiệp đến với thị trường lớn cả trong và ngoài nước. Tuy vậy, doanh nghiệp tỉnh nhà cần phải nhanh chóng thích nghi với các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống chuyển khi chuyển sang môi trường kinh tế số.

Bà Nguyễn Thị Lê Na – Founder thương hiệu Cam Vinh, Giám đốc Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ đánh giá cao tính hiệu quả của công nghệ và chuyển đổi số. Chỉ sau hơn một tháng ứng dụng các công cụ online và làm việc nhóm trên nền tảng Facebook, Doanh nghiệp của bà đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, chi phí giảm đáng kể, tiết kiệm sức lao động và đã dần quen với cách vận hành doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường mới. 

Đây là năm thứ 4, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - VCCI triển khai Chương trình Boost with Facebook tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn Facebook cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức địa phương, DNNVV và khởi nghiệp để tư vấn cho họ cách nắm bắt cơ hội để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời đại kinh tế kỹ thuật số.

Theo Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp

https://enternews.vn/cac-giai-phap-phuc-hoi-kinh-doanh-trong-nen-kinh-te-so-thoi-covid-19-186089.html