Đề xuất quy định thành lập, quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14. Đây là dự án Luật được xã hội quan tâm, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất thông qua với tỷ lệ 92,34%.

Theo quy định của Luật số 60/2020/QH14, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bao gồm Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý (điểm a khoản 7 Điều 1).

Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu. Khi thiên tai xảy ra, Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế thông qua Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhưng chưa có cơ chế quy định cụ thể việc tiếp nhận và phân bổ kịp thời cho các địa phương sử dụng, ví dụ:

Năm 2016, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ 16,2 triệu USD cho các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở được Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng dự án ODA để tiếp nhận nên mất 2 năm mới triển khai được hoạt động này.

Năm 2017, gặp khó khăn trong việc tiếp nhận viện trợ của Tổng thống Nga Putin hỗ trợ 520 tấn hàng hóa (tương đương 2,71 triệu USD và 5 triệu USD) để khắc phục hậu quả của bão Damrey gây ra.

Hiện nay, nguồn lực để hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng (nhất là các địa phương có nguồn thu thấp, khu vực miền núi) chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai, trong đó bao gồm các quy định về Quỹ phòng chống thiên tai trung ương là cần thiết.

Cơ cấu Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương

Theo dự thảo, Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ trung ương gồm có Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ.

Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, bao gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bổ nhiệm, gồm đại diện lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành khác có liên quan.

Hội đồng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của mình trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban kiểm soát Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định.

Cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai là cơ quan quản lý Quỹ trung ương, sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ quản lý Quỹ trung ương theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý của Quỹ trung ương hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ trung ương quy định cụ thể về Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát, Cơ quan quản lý Quỹ trung ương và các quy định khác có liên quan do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Vốn điều lệ 500 tỷ đồng

Dự thảo nêu rõ, nguồn tài chính của Quỹ trung ương bao gồm: Vốn điều lệ của Quỹ là 500 tỷ đồng do ngân sách trung ương cấp và được cấp đủ trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Quỹ được thành lập. Quỹ được cấp vốn bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ của Quỹ. Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Điều tiết từ Quỹ cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng chính phủ. Căn cứ tồn Quỹ cấp tỉnh kể từ khi thành lập đến ngày 31/12/2020; Thủ tướng Chính phủ quyết định điều tiết về Quỹ trung ương theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thu lãi từ tài khoản tiền gửi và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

Quỹ trung ương được chi nhằm thực hiện những nội dung sau: 1. Cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; 2. Hỗ trợ các công trình nhà chống lũ, bão và một số loại hình thiên tai khác cho người dân và các công trình phòng chống thiên tai; 3. Hỗ trợ các hoạt động thông tin, truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho người dân ở địa phương; 4. Hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương và hỗ trợ, trợ cấp đột xuất các gia đình nạn nhân và người trực tiếp tham gia phòng, chống thiên tai bị thiệt hại do thiên tai; 5. Hỗ trợ cho các dự án khẩn cấp chưa được bố trí kinh phí hoặc được bố trí một phần kinh phí, chương trình điều tra cơ bản và các hoạt động phòng chống thiên tai liên tỉnh, liên vùng, liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng lớn; 6. Chi phí quản lý và các chi phí phát sinh để điều hành hoạt động của Quỹ trung ương.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Tuệ Văn(Báo Chính phủ)
http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-quy-dinh-thanh-lap-quan-ly-Quy-phong-chong-thien-tai-Trung-uong/414554.vgp