VBS 2020: “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”

8h30 - 09h00: 
KHAI MẠC

Chính phủ quyết liệt đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, đúng như chủ đề của Hội nghị là “Việt Nam số hoá: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tích cực chủ động đổi mới sáng tạo gắn kết, cùng tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vươn lên phát triển bao trùm và bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết, đại dịch COVID-19 cho thấy số hóa là xu thế của thời đại, thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực.

Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu, hoạt động kinh doanh đình trệ, giao thương đầu tư gián đoạn, hàng triệu lao động mất việc làm, hoạt động xã hội đều bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trong nhất kể từ đại hủng hoảng năm 1929-1933. 

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Chính phủ hành động quyết liệt luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hút luồng vốn FDI từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại, chuyển đổi số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, phương thức xuất, tiêu dùng và giao tiếp mới...

Để đưa đất nước vươn lên phát triển bao trùm và bền vững, thực hiện khát vọng phồn vinh và hạnh phúc, Chính phủ Việt Nam cam kết:

Thứ nhất, nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20%GDP của cả nước vào năm 2025.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.

Thứ tư, nângcao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

“Chúng tôi tưởng rằng, thông qua Hội nghị ngày hôm nay, quý vị đại biểu sẽ càng hiểu rõ hơn kinh tế Việt Nam và đưa ra được các hướng kinh doanh bền vững, kết nối được với các đối tác tin cậy cho mình!”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh. 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020.

 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 cho biết, nhiệm kỳ qua, số lượng doanh nghiệp tăng 1,5 lần, có 3 đợt sóng cải cách, chúng ta đã xóa hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm 50-60% quy định hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thành lập tổ công tác đặc biệt về rà soát, bất cập, chồng chéo về kinh doanh và tổ công tác thu hút đầu tư. Thời gian tới Chính phủ đã kiên định mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, kinh tế số là 1 trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm. Hiện có nhiều tín hiệu tốt, trong thời qua, khi 30 nhà đầu tư Nhật Bản xin chuyển dự án về nhật bản hoặc sang các nước thì đã có 15 dự án sang Việt Nam. Đặc biệt, là việc tập đoàn SamSung đến năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động trung tâm R&D lớn nhất tại Đông Nam Á, hiện tâpọ đoàn này đang đóng góp 25% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Diễn đàn Indo-Pacific tại Việt Nam vừa qua với hơn 2000 đại biểu tham dự đã có đến 11 tỷ USD ký kết giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Kỳ vọng Hội nghị lần này tiếp tục tạo ra những đột phá mới.

09h00 - 10h00:
VIỆT NAM - CƠ HỘI VÀ TIỀM NĂNG TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU

Các vấn đề thảo luận: Đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Là một phần trong bức tranh tăng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Việt Nam đã và sẽ làm gì để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn soáng đầu tư mới của khu vực?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Điều phối phiên: Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tác động của đại dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và triển vọng kinh tế Việt Nam

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, chưa có năm nào các nhà kinh tế, dự báo liên tục đưa ra các dự báo theo hướng điều chỉnh giảm như năm 2020. Ở cuộc nghiên cứu và dự báo tháng 8/2020, IMS và một số nhà kinh tế đã dự báo GDP toàn cầunăm 2020 sẽ tăng trưởng âm khoảng 4,4%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng âm khoảng 6%, đặc biệt là Anh có mức tăng trưởng dự đoán âm 9,8%.

Ở thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên quy mô toàn cầu, đa số các nhà phân tích dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kiểu hình chữ V. Đây là kịch bản phục hồi lạc quan nhất. Kịch bản hình chữ U ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan. Kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm. Tình hình trở lại như trước đại dịch sẽ không xảy ra trước cuối năm 2020. Chữ W là kịch bản phục hồi 2 lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai. Chữ L là kịch bản u ám nhất. Các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh. Các công ty phá sản hàng loạt khiến kinh tế trì trệ...

Đã 8 tháng toàn cầu đối mặt với COVID-19, kịch bản đưa ra đi nhiều hơn về hướng xấu, theo dự báo, GDP toàn cầu có thể giảm 4,5% trong năm 2020.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Việt Nam là một số quốc gia hiếm hoi có được tăng trưởng GDP dương. Trong phiên họp Quốc hội ngày 11/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, qua đó "chốt" tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở vào khoảng 6%.

COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Tại Việt Nam, đối với xã hội, COVID-19 tạo ra gánh nặng về nợ, cuộc khủng hoảng âm, GDP tăng trưởng âm, tỷ lệ thất nghiệp cao, sự suy sụp của một số ngành nếu không có hỗ trợ từ Chính phủ. Còn đối với doanh nghiệp, COVID-19 khiến bảng cân đối kế toán suy yếu, trong bối cảnh chính trị có nhiều bất ổn thì các doanh nghiệp nhỏ là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp phá sản.

Để có thể thích ứng với “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt Nam cần hoạt động một cách bền vững hơn để tái tạo tương lai. Việc tái thiết sẽ là cần thiết cho mọi doanh nghiệp đang trên đà suy thoái và lực lượng lao động chất lượng cao sẽ là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp quốc gia.

Làn sóng chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn kinh tế và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 làn sóng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Đỉnh thứ nhất là vào năm 1995, năm 2008 là đỉnh thứ 2 và đến bây giờ là đồ thị đang đi lên .

Cụ thể, năm 1994 là Mỹ xóa bỏ cấm vấn thì đến năm 1995 là quan hệ bình thường và các nhà đầu tư đón cơ hội này. Đỉnh thứ 2 là năm 2007 khi đón làn sóng WTO và đến năm 2008 là đón đỉnh. Khi đó đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 72,5 tỷ USD – cao trước từ trước đến nay.

Sau đó là khủng hoảng thế giới các tập đoàn dừng đầu tư nước ngoài và chỉ 2-3 năm thì biểu đồ lại đi và xu hướng đi lên đến tận bây giờ.

Như vậy, làn sóng đầu tư đã kéo dài từ 7-8 năm trước chứ không phải bây giờ mới có.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, lý do giúp cho Việt Nam tăng trưởng cao so với các nước là bởi Việt Nam vốn có những ưu thế nhất định và có những chính sách phù hợp trong giai đoạn vừa qua gồm: Việt Nam có sự ổn định chính trị; Tăng trưởng nhanh và bền vững; Chi phí và ưu đãi cạnh tranh; Nguồn nhân lực dồi dào; Thị trường tiềm năng; Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; Luôn cải cách mạnh mẽ và ở Vị trí trung tâm kết nối thị trường Trung Quốc với các nước ASEAN và các nước khác.

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì các nhà đầu tư chỉ tái cơ cấu ở Mỹ chứ ở những nước khác ở Châu Âu thì không bị ảnh hưởng. Cho nên ông Hoàng cho biết các nhà đầu tư chỉ đa dạng hóa, tái cơ cấu đầu tư. COVID làm đứt gãy chuỗi cung ứng thì là xúc tác đẩy nhanh quá trình này hơn.

Việt Nam là một trong những thị trường được các nhà đầu tư quan tâm cùng với nhiều nước khác như Indonesi, Thái Lan, Ấn Độ…

Vậy Việt Nam làm gì để đón dòng vốn này? Nhà đầu tư đến Việt Nam cần chuẩn bị những gì? 

Theo ông Hoàng, đầu tiên phải có đất khu công nghiệp vì dòng vốn đầu tư chủ yếu đến là các khu công nghiệp.

Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực – chúng ta có chương trình đào tạo nhân lực ở 2 cấp độ quản lý và người lao động có tay nghề cao. Đào tạo lao động có tay nghề cao thì hàng năm Việt Nam đào tạo ra 2,2 triệu lao động có tay nghề trong 1900 trường đào tạo, trong 800 ngành đào tạo thì có 100 ngành trọng điểm và 45 ngành đào tạo cao. Đẩy mạnh đào tạo nhanh theo đơn đặt hàng nhanh của các doanh nghiệp

Thứ ba, liên quan tới vấn đề năng lượng, Bộ Công Thương đang rà soát lại tổng sơ đồ điện VIII. Trong danh sách mục nhiều chục tỷ đô la đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ tư, là đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Tháng 8 vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị quyết đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ. Bản thân các doanh nghiệp đã tự vươn lên.

Thứ năm, Việt Nam trong thời gian qua không ngừng sửa đổi các chính sách. Ví dụ như Luật đầu tư sửa đổi với nhiều chính sách thủ tục rườm rà được cắt giảm và có nhiều ưu đãi hơn rất nhiều.

Vừa qua Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư. Đến nay có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam.

Việt Nam cần làm gì để đón làn sóng đầu tư mới thành công?

Thảo luận về dự báo tăng trưởng năm 2021, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10%. Lý do không chỉ do năm 2020 tăng trưởng thấp mà còn do tiền đề từ kiểm soát tốt dịch bệnh với những chính sách thúc đẩy thị trường trong nước, những điều này sẽ là động lực, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2021. 

Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Đình Cung, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hợp tác đầu tư nước ngoài phải là Win-Win, do đó, “chọn lọc” ở Nghị quyết 50 là gắn với tiêu chí công nghệ, môi trường, đặc biệt là cam kết hợp tác đưa doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Doanh nghiệp Việt phải được tham gia vào cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài – điều này đã được thể chế hoá tại Luật Đầu tư và Nghị quyết chúng tôi đang soạn thảo”, ông Hoàng cho biết.

Ông Chad Ovel Tổng giám đốc Mekong Capital, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Tp HCM và Đà Nẵng

Tham gia vào phiên thảo luận, ông Chad Ovel, Tổng giám đốc Mekong Capital, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại TP HCM và Đà Nẵng cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế với Việt Nam do một số vấn đề cán cân xuất nhập khẩu và tỷ giá. Cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ và Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong quá trình này. 

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta đang nhấn mạnh quá nhiều tới cơ hội mà quên đi điều cần quan tâm hơn là những thách thức. 

“Có hai từ khoá là tốc độ và linh hoạt, Chính phủ và doanh nghiệp phải thay đổi nhanh hơn nhiều so với trước. Chúng ta sẽ cùng thảo luận để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội”, ông Cung nhấn manh.

10h – 11h10:
PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ HẬU CẦN THÔNG MINH - CHÌA KHÓA ĐỂ VIỆT NAM NÂNG CAO VỊ THẾ TRONG CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

Các vấn đề thảo luận: Logistics là mạch máu của nền kinh tế, quyết định đến tính cạnh tranh của từng quốc gia, của từng doanh nghiệp. Một ngành logistics vững mạnh là chìa khóa để Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch toàn cầu, ngành dịch vụ logistics đang có những thay đổi không nhỏ. Vậy, đâu là cơ hội, thách thức và tiềm năng đối với ngành logistics  tại Việt Nam? 

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương.

Điều phối phiên: Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, trong những năm gần đây, thương mại quốc tế không ngừng phát triển nhờ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế giữa các quốc gia ngày càng  sâu và rộng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung. Trong đó đặc biệt phải kể đến dịch vụ hậu cần (logistics) – một lĩnh vực then chốt, đóng một vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế.

Tại các nước phát triển, doanh nghiệp ngày càng có xu hướng thuê ngoài nguồn nhân lực và vật chất tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á để tiết kiệm chi phí hiệu quả trong sản xuất. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chi phí nguyên vật liệu rẻ và mức lương thấp hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, vị trí địa lý của Việt Nam cũng là một mắt xích quan trọng giữa các khu vực Đông Nam Á, Đông Nam Á và là đường liên kết biển quan trọng với thế giới.

Hơn nữa, ngành logistics Việt Nam cho thấy một ngành cạnh tranh và có triển vọng bùng nổ trong tương lai với tỷ trọng thấp ở mức 7,40%. Theo dữ liệu báo cáo của CRIF D&B Việt Nam năm 2019, về xu hướng tăng trưởng doanh thu, ngành logistics Việt Nam có xu hướng tăng trưởng tích cực và liên tục, trong đó doanh thu bán hàng tăng 6,8% từ 305.825 triệu đồng năm 2017 lên 325.294 triệu đồng năm 2018 và lên 332.634 triệu đồng vào năm 2019, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12,23% năm 2017 lên 12,46% năm 2018, lên mức cao nhất 12,68% năm 2019.

Việt Nam tăng 25 bậc trong bảng xếp hạng hiệu suất logistics toàn cầu

Ông Shige Sakaki – Chuyên gia cao cấp phụ trách về giao thông vận tải Ngân hàng Thế giới cho biết: “Từ vị trí thứ 64 cách đây hai năm, Việt Nam đã tăng lên vị trí thứ 39 trên toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI) năm 2018, theo báo cáo "Connecting to Compete" do World Bank công bố cuối tháng 7/2018. Đây là con số đáng khích lệ”.

Được biết, chỉ số LPI của Việt Nam năm nay đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn so với một số nước cùng khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, trong ngành logistics có quy mô 4,3 nghìn tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu.

“Việt Nam có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương”, đại diện World Bank đánh giá.

Ông Shige Sakaki – Chuyên gia cao cấp phụ trách về giao thông vận tải Ngân hàng Thế giới

Ngành logistics bao gồm một loạt hoạt động như vận tải, kho bãi, môi giới, chuyển phát, vận hành cảng và cả quản lý thông tin và dữ liệu, đóng vai trò làm dịch vụ hỗ trợ dòng chảy hàng hóa trong và xuyên biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, khi dẫn lại Báo cáo của World Bank, ông Shige Sakaki cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong ngành logistics toàn cầu như thiếu nguồn lực lao động, chênh lệch hiệu suất dịch vụ logistics của các nước phát triển so với các nước đang phát triển, vấn đề ô nhiễm khí thải...

"Thương mại quốc tế ngày càng trở nên phân tán thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển dịch vụ logistics vững mạnh là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Một gián đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng có thể lan rộng nhanh chóng tới các nước và khu vực trên thế giới", đại diện World Bank chia sẻ.

Để ngành logistics Việt Nam có thể phát triển trong thời gian tới, ông Shige Sakaki cho rằng với những nước đang phát triển như Việt Nam thì việc đưa ngành logistics phát triển đúng hướng sẽ đồng nghĩa với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hải quan, kỹ năng và luật lệ.

“Đây là những vấn đề mà ngành logictics của Việt Nam phải quan tâm và cải thiện trong thời gian tới”, ông Shige Sakaki nhấn mạnh.

Cơ hội và thách thức trong đầu tư logistics của Việt Nam

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam, ngành logistics có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ thương mai, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19 khi logistics là chìa khóa giúp cho việc giao hàng online khi bị giãn cách xã hội.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000-4.500 doanh nghiệp cung cấp logistics trực tiếp và và có đến hơn 30.000 công ty liên quan, trong đó có khoảng hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam chi phí cho logistics theo nghiên cứu của Hiệp hội hiện chiếm khoảng 16,8% - 17% GDP tương đương về quy mô thì khoảng 42 tỷ USD, đóng góp khoảng 4% vào GDP. Theo ông Hiệp, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với các nước phát triển xung quanh.

“Nguyên nhân là đường biển nước ta khá dài, chi phí đường bộ cao và có nhiều chi phí khác. Chúng tôi đang cố gắng để kéo giảm chi phí xuống vào khoảng 14-15% GDP” – ông Hiệp nói.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistis Việt Nam.

Liên quan đến việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp logistics vừa qua Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, quyết định về chuyển đổi số. Hiện có khoảng 40% doanh nghiệp logistics đã áp dụng chuyển đổi số, khá nhiều doanh nghiệp đã đi đầu như tại cảng Cát Lái đã áp dụng khai quan, và các dịch vụ khác hoàn toàn điện tử.

Vừa qua, chúng ta đã thành lập doanh nghiệp cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yêu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do đó việc tiếp cận vốn, tài chính còn hạn chế, công nghệ khó lựa chọn do còn hạn chế về nguồn lực.

Nói về cơ hội và thách thức trong việc đầu tư, phát triển của ngành logistics hiện nay, ông Hiệp cho biết điểm tích cực là Chính phủ đang có sự quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics. Thực tế cho thấy, cần những công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, chuỗi cung ứng lạnh, tự động hóa trong quản trị kho hàng cũng như mảng logistics đô thị cần sự phát triển hơn nữa.

Việt Nam kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Tham gia thảo luận, ông Glenn Hughes - Trưởng đại diện Tập đoàn Logos tại Việt Nam đánh giá đặc điểm thu hút đầu tư của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài gồm nhiều yếu tố tổng hoà. 

“Chúng tôi thấy có phần quan trọng định hướng của Việt Nam nhằm thu hút các nhà sản xuất nhờ địa thế trung tâm của Việt Nam tại ASEAN và trên thế giới. Cụ thể, quá trình công nghiệp hoá, nhu cầu trong nước chính là điểm thu hút của Việt Nam với các nhà đầu tư hạ tầng. Cùng với đó là những ưu đãi của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Glenn Hughes cho biết. 

Tái khẳng định có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau giúp Việt Nam trở lên hấp dẫn, ông Glenn Hughes cho rằng Việt Nam có thể đi trước các nền kinh tế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Sự kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam cũng đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Ông Đỗ Huy Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog.

Trong khi đó, chia sẻ về các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, ông Đỗ Huy Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết, Smartlog đã làm việc với hơn 100 doanh nghiệp lớn và vừa và gián tiếp làm việc với hàng ngàn doanh nghiệp logistics khác. Việt Nam mới đang ở quá trình ban đầu xây dựng nền móng cho chuyển đổi số, bởi nó là quá trình chuẩn bị toàn diện, còn doanh nghiệp hiện mới chì đưa công nghệ vào một cách thụ động, thay vì chủ động. 

“Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp tìm đến chúng tôi vì phòng ngừa thay vì nhận định nó là bước chuyển trong tương lai. Nhưng doanh nghiệp phía sau về kho hàng đưa công nghệ vào rất chậm chạp”, ông Bình chia sẻ.  

Đặc biệt, ông Bình nhận định, tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Việt đa số là nhỏ và vừa nhưng lại có cơ hội chuyển đổi ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin nhanh hơn so với các tập đoàn lớn, tập đoàn toàn cầu vì họ phải chuyển đổi cả bộ máy toàn cầu. "Qua quá trình làm việc của mình chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp công nghệ dù là nhỏ trong nước hiện nay có những giải pháp công nghệ để cung cấp rất hiệu quả, đây là lợi thế cho doanh nghiệp Việt tiếp cận và chuyển đổi". - ông Bình nói. Khẳng định chuyển đổi số, thông minh phải dựa trên dữ liệu, nhưng ông Bình cho biết cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện lại rất phân tán. “Do đó, chúng tôi đang làm một database nhưng có lẽ sẽ mất đến 2-3 năm để tập hợp thông tin và thuyết phục các doanh nghiêp cùng hợp tác chia sẻ dữ liệu. Do đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng dữ liệu”, ông Bình chia sẻ. 

Trong khi đó, chia sẻ về những vấn đề dài hạn cần cải thiện để nâng cao chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam, ông Shighe Sakaki cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất là chính sách và thứ hai là hạ tầng. "Chúng ta có thể so sánh chỉ số và hiệu quả thực tế của Việt Nam hiện nay. Cần xác định các khu vực cần tăng cường kết nối như về cảng biển, cảng hàng không ở các thành phố lớn”, ông Shighe Sakaki lưu ý.

Ở góc độ khác, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logicsics Việt Nam cho biết, cơ sở vật chất và hạ tầng của log hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển, tăng trưởng hàng hoá. "Về phần cứng cảng biển, sân bay, kho hàng, kho bãi chúng ta hoàn toàn đáp ứng được. Những cảng lớn đang còn dư địa để có thể phục vụ hàng hoá tăng 10-15%. Các sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được sửa chữa mở rộng. Hệ thống kho bãi hầu như ở các khu công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm đều có để phục vụ lưu bãi. Về phần mềm đã có nhiều tiến bộ nhưng chúng tôi cho rằng cần thuận lợi hơn nữa trong thông quan, kiểm tra chuyên ngành". - ông Hiệp nói.

Có mặt tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Thế Vinh, Đại diện Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia vào 13 FTA thế hệ mới nên lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất nhiều, trong đó có mặt hàng cà phê. Trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa thì việc phát triển logictic sẽ là vấn đề vô cùng quan trọng. "Vậy, theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logictics Việt Nam, làm thế nào để tạo điều kiện để doanh nghiệp có đội tàu chuyên nghiệp để chuyên chở hàng hóa. Hiệp hội có kế hoạch như thế nào để hạ giá logictics, để hàng hóa Việt có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài?" - ông Vinh đặt câu hỏi.

Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Logictics Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thừa nhận năng lực vận tải quốc tế của các ngành logictics Việt còn rất yếu. Hiện nay vẫn chưa có công ty vận tải biển nào có thể đảm đương được việc chuyên chở hàng hóa Việt ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, việc phát triển logictics chuyên dụng bằng con đường nhiều hãng hàng không, máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa còn yếu. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ cố gắng đưa ra các giải pháp để có thể đưa ra các giải pháp để hạ chi phí logic tích".

“Với đường bộ, chúng tôi cố gắng xây dựng thêm các kho chứa mới. Đồng thời, muốn giảm chi phí logistics, cách hiệu quả là phải giảm chi phí vận tải, chiếm hơn 50%. Trong chi phí vận tải, phí nhiên liệu – quãng đường – phụ phí chiếm 20%. Mà muốn 3 thứ đó cùng giảm, Nhà nước sẽ phải ra tay, như giảm giá nhiên liệu, đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải để rút ngắn thời gian/quãng đường di chuyển hay bỏ các trạm thu phí, BOT…”, ông Hiệp nói.

11h10 - 12h10:
HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU

Các vấn đề thảo luận: Trước tình hình đại dịch, an ninh lương thực nổi lên là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đầu trên thế giới, Việt Nam sẽ chú trọng đầu tư trong lĩnh vực nào để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế vốn có của mình?

Điều phối phiên: Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.  

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) tại Việt Nam dự báo trong tương lai khu vực Châu Á, Thái Bình Dương là nơi trọng điểm sản xuất hàng nông sản của của thế giới.

“Dưới tác động của đại dịch, nhu cầu của các sản phẩm nông nghiệp của các nước trên thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực. Đây cũng là cơ hội cho các nước thuộc khu vực Châu Á, Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để xuất khẩu”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hà, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng là một trở ngại lớn trong thương mại quốc tế thực phẩm và nông sản”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO).

Một vấn đề khác trong lĩnh vực nông nghiệp được ông Hà lưu ý là đó là vấn đề hệ thống lương thực đang bị đe dọa bởi thiên tai và khủng hoảng. Với nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, trong khi ngân sách R&D hạn chế có thể cản trở quá trình hiện đại hóa và đầu tư vào nông nghiệp / khuyến nông.

“An ninh lượng thực sẽ là vấn đề cần phải quan tâm trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của COVID và thiên tai thì ít nhiều vấn đề cung cấp lương thực sẽ trở thành vấn đề đáng quan tâm”, ông Hà nói.

Theo quan điểm của ông Hà, các vấn đề về thiên tai, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nếu không được khắc phục sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp và đảm bảo an ninh lương thực cho các nước trên thế giới.

Về cơ hội và khuyến nghị cho Việt Nam trong dài hạn và trung hạn trong việc tiếp tục duy trì và đảm bảo an ninh lương thực, ông Hà đưa ra một số khuyến nghị.

Thứ nhất, người nông dân cần duy trì và đầu tư vào năng suất, với khả năng tiếp cận tín dụng hợp lý.

Thứ hai, đa dạng hóa hơn trong thương mại nông sản đồng nghĩa với việc tăng khả năng phục hồi của nông nghiệp sau thiên tai cũng như đại dịch.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh quá trình số hóa trong nông nghiệp để có thể giúp thúc đẩy năng suất và hiện đại hóa nông nghiệp từ đó nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Thứ tư, trong việc tiếp tục phát triển nông sản chất lượng cao thì chất lượng và chứng nhận nên được ưu tiên.

Với Việt Nam, trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp, ông Hà đưa ra một số lưu ý cụ thể như việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn thương mại nông sản, cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận nhanh hơn và đáng tin cậy với các dịch vụ quan trọng từ các dịch vụ bảo hiểm vi mô, mở rộng, thị trường, tín dụng và tài chính. Đồng thời giúp họ góp phần giảm chi phí thương mại / giao dịch.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, chia sẻ, với đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp phải tìm hiểu giữ khách hàng và sau đó mới mở rộng thị trường. Với chúng tôi, ví dụ nhu cầu về sản phẩm chuối khác nhau ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... phải đánh giá nhu cầu thị trường, sản xuất bài bản theo nhu cầu. Cùng với đó, các thị trường hiện đều đưa ra các bộ tiêu chuẩn, chúng ta phải đáp ứng.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình.

Do đó, để giữ được khách hàng, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường không có cách nào khác là liên kết hợp tác phát triển với bà con, liên kết từ vùng trồng, quy trình sản xuất để đáp ứng được thị trường. 

Bên cạnh đó, phải tôn trọng phản hồi, chăm sóc khách hàng cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhờ đó, khách hàng của chúng tôi luôn ổn định và phát triển. 

Việc ứng dụng công nghệ số của chúng tôi hiện áp dụng toàn bộ trong quản lý khách hàng. Nhưng trong sản xuất mới áp dụng được một phần, chưa đồng bộ, ví dụ như chúng tôi có vùng trồng na nhưng lại gặp khó trong quy hoạch vùng trồng, sở hữu đất đai khi chuyển đổi cây trồng gặp khó. Một số vùng trồng cũng gặp khó về nguồn điện do đó quy trình tưới thông minh chưa được áp dụng.

Ông Trần Hữu Quyền - Chủ tịch HĐQT VNTP Technology

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Hữu Quyền - Chủ tịch HĐQT VNTP Technology cho biết, ứng dụng công nghệ vào mọi ngành dọc gồm nông nghiệp. Thực tế, các sản phẩm đưa ra cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế họ rất quan tâm đến truy suất nguồn gốc. 

Những năm gần đây Việt Nam cũng nhập khẩu công nghệ áp dụng vào nông nghiệp công nghệ cao từ các nước như Brazil, Nhật Bản...Nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được. Đến nay, các doanh nghiệp trong nước cũng đã phát triển được các công nghệ như IOT, AI... giúp người dân và doanh nghiệp nhỏ cũng tiếp cận được công nghệ, giảm chi phí đầu tư, hiện thực hoá giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao. 

"Chúng ta chưa có bản đồ nông sản toàn quốc do đó thừa rất thừa mà thiếu rất thiếu, bà con sản xuất tự phát chưa có sự điều tiết. Do đó, chúng tôi mong muốn tham gia vào để mang tới cuộc chơi tường minh, các doanh nghiệp và người nông dân đều có thể tham gia đúng theo tín hiệu thị trường". - ông Trần Hữu Quyền nói. 

Bà Mai Thị Hồng – Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Mai Thị Hồng – Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam cho biết, Hà Lan hiện đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao với hơn 11.000ha nhà kính – được xem là lớn nhất thế giới. Hà Lan cũng thành công trong việc tạo giống thương phẩm sản phẩm, rau chiếm 25% thế giới, 80% củ giống toàn thế giới, 50% hoa cắt cành.

Bà cho biết, Việt Nam hiện có nhiều khó khăn khi tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao do nền nông nghiệp còn nhỏ chưa đủ vốn, nhân lực chất lượng cao thiếu, không tiếp thu và duy trì được. Đặc biệt, đối với rau và các loại hoa ôn đới, chỉ trồng được ở một số nơi nhưng thời tiết hiện nay lại ngày càng diễn biến phức tạp. “Chúng ta có thể học hỏi các gói công nghệ nhỏ của bạn như các gói phân tích, tư vấn dinh dưỡng đất” – bà nói – “Mô hình thành công về hợp tác nông nghiệp công nghiệp cao tại Việt Nam có thể kể đến như Đà Lạt farm hiện đang xuất khẩu 70% doanh thu”.

Ông Nguyễn Song Hà –Trợ lý trưởng đại diện, Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) tại Việt Nam cho biết: Chăn nuôi tại Việt Nam thời gian qua có nhiều khó khăn như việc dịch bệnh đã làm thiệt hại vài triệu con lợn, sản lượng giảm mạnh phải nhập thịt lợn. Tuy nhiên, việc này lại mở ra dư địa cho chăn nuôi các loại gia cầm, chuyển từ thịt đỏ sang gia cầm và cá. “Trước nay có xu hướng xuất gia cầm sang Trung Quốc nhưng từ năm 2011 trở lại đây nhu cầu gia cầm tăng lên đáng kể” – ông nói.

Ông Nguyễn Song Hà cũng cho biết thêm, ngành chăn nuôi còn khó khăn do hạn chế về logistics, hậu cần, kho vận, nhiều trường hợp hộ chăn nuôi thua lỗ phải chuyển đổi sang mô hình khác. Bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực đang đóng góp 50% sản lượng xuất khẩu lương thực.

“Trong giai đoạn hiện nay, việc áp dụng số hóa trong nông nghiệp còn ít do đó còn cơ hội và dư địa, cần chú trọng hơn nữa vàp công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào ngành nông nghiệp” – ông Hà nói thêm. 

Theo Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/tuong-thuat-truc-tiep-vbs-2020-viet-nam-so-hoa-chu-dong-thich-ung-de-phat-trien-ben-vung-185547.html