Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2057/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

 Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng 10 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Tình hình tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp

Trong tháng 10/2020, VCCI tập hợp, phân loại và gửi 15 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương. Trong đó Bộ Tài chính có 04 kiến nghị; Ngân hàng nhà nước nhận được 02 kiến nghị; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận được 02 kiến nghị; Bộ Giao thông vận tải nhận được 02 kiến nghị, còn lại là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Khoa học và Công nghệ và các địa phương: TP. Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nội dung cơ bản của các kiến nghị trong tháng chủ yếu đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp như:

- Kiến nghị về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và yêu cầu sửa đổi các quy định tại Nghị định 24/2012. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng:

+ Ngân hàng Nhà nước sẽ không sản xuất vàng miếng và cũng không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vì theo quy định hiện hành (Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh quản lý ngoại hối…), Ngân hàng

Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng tại Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp vì vàng miếng cũng là hàng hóa. Hơn nữa trên thế giới, không có ngân hàng trung ương nào đứng ra sản xuất vàng miếng.

+ Cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Sở dĩ các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư như vậy là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Hơn nữa, các sàn vàng đó “mạnh ai người ấy làm”, chứ chưa giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Do đó, tình trạng thao túng, làm giá diễn ra phổ biến ngoài sự giám sát, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Giao dịch vàng tập trung tại Sở giao dịch vàng là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới. Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, nên theo Hiệp hội đã đến lúc các cơ quan quản lý cần xem xét sớm vấn đề này.

+ Trong thời gian qua, khi giá vàng quốc tế tăng mạnh lên mức 2.074 USD/oz, giá vàng trong nước cũng đã lên cơn sốt, có thời điểm lên tới 63 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Đặc biệt chênh lệch giá mua bán vàng miếng SJC cũng được các doanh nghiệp đẩy lên hơn 2 triệu đồng/lượng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn ghi giấy nợ vàng cho khách hàng vì khan hiếm nguồn cung vàng.

+ Để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vàng, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành vàng thực hiện tốt nhất chủ trương của Chính phủ, đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, giảm dần kinh doanh mua bán vàng miếng. Đề nghị xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, vấn đề này cũng được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

+ Để thực hiện tốt quy định của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch mua, bán vàng vật chất giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng với người dân, đây là nhu cầu rất cần thiết, hợp lý và cũng là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giám sát, theo dõi được việc luân chuyển nguồn vốn bằng vàng trên thị trường. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể việc thanh toán qua tài khoản tại ngân hàng vì thực chất đây là việc thanh toán mua bán vàng vật chất của người dân chứ không phải là kinh doanh vàng trên tài khoản.

- Đề nghị cơ quan chủ trì Hiệp định vận tải đường thủy Việt Nam – Campuchia là Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài chính khẩn trương rà soát Thông tư 90/2019/TT-BTC và bổ sung lại điều khoản cho phép các Phương tiện vận tải thủy hoạt động trên tuyến Vận tải thủy được quy định tại Hiệp định Việt Nam-

Campuchia áp dụng các mức thu phí, lệ phí theo Thông tư số 248/2016/TT-BTC như đã thực hiện từ ngày 01/3/2020 trở về trước. Đồng thời thực hiện hoàn trả các khoản phí, lệ phí đã thu chồng trước đây cho doanh nghiệp. Đồng thời có ý kiến chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải và Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực tuyến Vận tải thủy thống nhất phương thức làm việc, đảm bảo việc làm thủ tục cấp phép rời vào cảng chỉ 1 lần, theo đó các khoản phí và lệ phí liên quan sẽ phải nộp 1 lần, theo đúng tinh thần Hiệp định.

- Kiến nghị sửa đổi quy định về mã số mã vạch nước ngoài trên hàng xuất khẩu tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP; Đề nghị Bãi bỏ quy định về mã số mã vạch nước ngoài cho hàng XK tại nghị định 74/2018/NĐ-CP.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được nêu tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo.

2. Tình hình giải quyết các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Việc trả lời, giải quyết các kiến nghị:

Trong tháng 10/2020, VCCI nhận được 16 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35 (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo).

Nhìn chung việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương trong tháng này với tinh thần khẩn trương và quyết liệt. Đặc biệt là Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trả lời các dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ các tháng trước. Các trả lời kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính là cơ quan trả lời kiến nghị nhiều nhất (12 kiến nghị), tiếp theo là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Giao thông Vận tải.

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/9/2020 đến hết 31/10/2020, còn 06 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời đúng hạn. Nguyên nhân chậm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương cho thời hạn ngắn nên các cơ quan cần phải có thời gian nghiên cứu trả lời, đặc biệt là ở địa phương cần phải qua các Sở, ngành để nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương trong tháng này được nêu tại Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 10/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; Nghị định về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; Rà soát, đánh giá pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư; Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- VCCI và Hội Khuyến học Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm thúc đẩy phong trào học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển kinh tế doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế giai đoạn 2020-2025. Hai bên thống nhất đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân; về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; về sự cần thiết của việc học tập, tự học tập nâng cao trình độ của doanh nhân, người lao động trong các đơn vị thuộc VCCI. Hai bên nhất trí xây dựng đơn vị học tập trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Hội Khuyến học và VCCI; vận động xây dựng “Quỹ khuyến học, khuyến tài” tại doanh nghiệp để động viên cán bộ, nhân viên, doanh nhân, người lao động và con em họ cùng nhau học tập, xây dựng “công dân học tập”, “gia đình học tập”, “đơn vị học tập”… trong doanh nghiệp và toàn hệ thống thuộc VCCI.

- Phối hợp với Tổng cục Thuế, Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh người nộp thuế tiêu biểu năm 2020. VCCI và Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đã tham gia quá trình xem xét, đánh giá thông tin để bình chọn ra 30 doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu, xuất sắc nhất trong toàn quốc. Tiêu chí để bình chọn doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu được Tổng cục Thuế đưa ra là đơn vị có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước như: tạo nhiều việc làm cho người lao động; tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế thể hiện qua doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh; đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn, quảng bá được thương hiệu hàng Việt Nam ra thế giới; nộp nhiều thuế vào Ngân sách Nhà nước; có lịch sử tuân thủ pháp luật thuế tốt.

- Phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” lần thứ II. Giải thưởng được tổ chức từ năm 2014 đến nay, xếp hạng hàng năm và trao giải thưởng 3 năm/lần, nhằm tìm kiếm và biểu dương những doanh nghiệp nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển. Năm 2020, 8 doanh nghiệp xuất sắc tiêu biểu trong số 184 lượt doanh nghiệp được xếp hạng 3 năm (2017, 2018, 2019) được lựa chọn để trao tặng giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" lần thứ II và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

- Tổ chức một số khóa đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp với nhiều chủ đề: tập huấn quyết toán thuế, sử dụng Incoterms hiệu quả, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, Xây dựng và phát triển thương hiệu trong thế giới phẳng, xây dựng phương án sử dụng lao động thời kỳ hậu Covid – 19…

2. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương cùng cơ quan chính phủ và Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF 2020) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp trực tiếp. Diễn đàn thu hút sự tham dự của trên 300 đại biểu lãnh đạo doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Diễn đàn tập trung thảo luận 4 lĩnh vực chính: hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế, kinh tế số và kết nối thị trường. Thông

qua Diễn đàn, Hoa Kỳ công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân của Mỹ tại khu vực, trong đó, nổi bật có Sáng kiến Quan hệ đối tác kết nối kỹ thuật số và an ninh mạng (DCCP), Mạng cơ sở hạ tầng giao dịch và hỗ trợ (ITAN) và Tăng cường phát triển & tăng trưởng thông qua Sáng kiến Năng lượng (Asia EDGE).

- Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu (EVBC). EVBC là một cơ chế hợp tác, tham vấn song phương, đóng vai trò nền tảng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Các doanh nghiệp hội viên có cơ hội được báo cáo và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành và các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các cơ quan tại Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và các cơ quan khác tại các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu nhằm đóng góp ý kiến về các chính sách và chia sẻ thông tin về các quy định của Liên minh Châu Âu và/hoặc các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến việc áp dụng và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Việc thành lập EVBC là cơ chế hữu ích thúc đẩy việc triển khai thực hiện EVFTA và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đầu tư, xuất nhập khẩu vào EU.

- Phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại Hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thành lập Hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm tập hợp sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Những vấn đề trọng tâm được bàn luận trong Hội nghị bao gồm việc thúc đẩy những chính sách đầu tư bền vững và có khả năng dự đoán trước; phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua nền Kinh tế kỹ thuật số, những vấn đề trọng yếu của phát triển năng lượng ở Việt Nam; điều hướng hệ thống cung ứng của Châu Á và thị trường sản xuất trong thế giới hậu Covid; cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như các tập đoàn Việt Nam đạt được những tiềm năng thương mại toàn cầu, kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ và những cơ hội mới để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam…

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa doanh nghiệp với đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023. Tại Tọa đàm, đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp đều mong muốn rằng các đại

sứ là những người kết nối các thị trường nước ngoài, tạo cơ hội tiếp cận hoạt động giao thương ở các nước sở tại trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 đã phát biểu, thông tin về tình hình địa bàn mình chuẩn bị phụ trách, đặc biệt là các cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp.

- Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi” và “Kinh tế tuần hoàn”, thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 400 đại biểu tham dự trực tuyến. Ấn phẩm “Cẩm nang Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp” cũng đã được công bố trong chương trình. Các đại biểu tham dự kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư vào công nghệ xử lý tái chế tại Việt Nam; xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho áp dụng Kinh tế tuần hoàn như áp thuế cao đối với các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu nguyên sinh và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu tái chế; xây dựng chiến lược quốc gia cho từng ngành và tạo được mối liên kết giữa các bên liên quan; xây dựng chính sách thuế các-bon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, có chính sách cho việc thu hồi, sử dụng khí CO2, thực hiện đánh giá hiệu quả việc sử dụng, tái chế tro, xỉ phát sinh trên cơ sở cân đối nhu cầu và khả năng tiêu thụ làm vật liệu xây dựng; rà soát, điều chỉnh và bổ sung nội dung liên quan đến ngành năng lượng trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược biển Việt Nam…

- Phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2020 với chủ đề “Rung chuông: Vì một nền kinh tế thịnh vượng”. Diễn đàn được coi là kết quả của nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp lớn trong việc tiên phong vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, thực hiện Luật Bình đẳng giới, hướng tới một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng và phát triển bền vững dựa trên sự bình đẳng. Tham dự Diễn đàn có đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, đại sứ, lãnh đạo phụ nữ qua các thời kỳ, lãnh đạo VCCI và 200 đại biểu đến từ các hiệp hội/hội/câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành phố, các doanh

nghiệp và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước. Tại sự kiện các doanh nghiệp đã ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs). Đây là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact, bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.

Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Việt Nam – điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong bối cảnh mới”; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ”.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ

 

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2020 (tải về)