Tổng công ty Chè Việt Nam nói gì về kết luận để "đất công biến thành đất ông" của TTCP?

Cụ thể, Tổng công ty Chè Việt Nam – CTCP tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa theo Quyết định số 864/QĐ-TTg ngày 16/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/12/2015, Tổng công ty Chè Việt Nam – CTCP chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Ngay sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các khoản lỗ và các nghĩa vụ tài chính không được bàn giao như vay vốn, bảo lãnh…từ giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước (trực thuộc Bộ NN & PTNT).

Tổng công ty Chè Việt Nam nói gì về kết luận để "đất công biến thành đất ông" của TTCP? - Ảnh 1.

Thửa đất 92 Võ Thị Sáu (trụ sở chính của Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP).

Do đó, về Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tổng công ty Chè Việt Nam, CTCP, Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan để khẳng định:

 

"Toàn bộ sai phạm trong việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tổng công ty Chè Việt Nam theo Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ hoàn toàn thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý của Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty TNHH MTV (giai đoạn là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ NN & PTNT). Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP hoàn toàn không liên quan tới các sai phạm trên đây theo kết luận của TTCP", Doanh nghiệp này cho hay.

Theo đó, trong danh sách 12 khu đất được Thanh tra Chính phủ xác định vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, có 3 khu đất liên quan thuộc danh mục tài sản được Nhà nước bàn giao chính thức cho Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP. Bao gồm: 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 59 An Bình và 92 Võ Thị Sáu (trụ sở chính của Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP).

Theo Tổng công ty Chè Việt Nam, hiện nay, cả 3 khu đất này đều bị vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai (trong giai đoạn là doanh nghiệp Nhà nước điều hành, quản lý) khiến Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP có nguy cơ mất quyền kế thừa, sở hữu tài sản và thiệt hại lớn trong hoạt động phát triển doanh nghiệp.

Tổng công ty Chè Việt Nam nói gì về kết luận để "đất công biến thành đất ông" của TTCP? - Ảnh 2.

Khu đất số 25D Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội)

Để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông, nhà đầu tư, đồng thời bảo vệ uy tín thương hiệu Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. Liên quan đến vụ việc, Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP đã công bố các kế hoạch và thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu nại và khởi kiện các sai phạm thuộc giai đoạn là doanh nghiệp Nhà nước (trước cổ phần hóa). 

Theo đó, khởi kiện các sai phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai về 3 khu đất thuộc danh mục tài sản được Nhà nước bàn giao chính thức cho Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP khi cổ phần hóa, bao gồm: 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 59 An Bình, 92 Võ Thị Sáu (trụ sở chính của Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP) để thực hiện quyền sở hữu và bảo vệ tài sản chính đáng của doanh nghiệp.

Khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan về việc: Quyết toán cổ phần hóa về tài chính thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước - Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty TNHH MTV (bao gồm cả khoản lỗ 61 tỷ đồng phát sinh từ giai đoạn trước cổ phần hóa và lãi chậm nộp phát sinh).

Khởi kiện các nghĩa vụ về các khoản nợ và bảo lãnh ngân hàng của doanh nghiệp Nhà nước - Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty TNHH MTV (doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hoá) không có trong nội dung bàn giao cổ phần hóa doanh nghiệp cho Tổng công ty Chè Việt Nam - CTCP...

Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam.

Theo kết luận thanh tra, có nhiều sai phạm liên quan đến việc xử lý sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này.

Danh sách các khu đất góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại không đúng quy định gồm: Khu đất tại mặt đường Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội; trụ sở Tổng công ty Chè Việt Nam tại số 92 Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM); số 25D Cát Linh (Hà Nội); số 126 Lạch Tray, Ngô Quyền (Hải Phòng); số 341 Vạn Mỹ, Đông Hải, Hải An, Hải Phòng; Kho Cổ Loa (Hà Nội); khu đất tại Lương Sơn (Hoà Bình); số 59 An Bình (quận 5, TPHCM); đất vườn ươm Chiềng Đi (huyện Mộc Châu, Sơn La); đất nhà máy chè Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La); và đất Nhà máy chè Chiềng Đi (Sơn La).

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/tong-cong-ty-che-viet-nam-noi-gi-ve-ket-luan-de-dat-cong-bien-thanh-dat-ong-cua-ttcp-20201026111142945.htm