Tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phân loại, xử lý rác thải của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, việc phân loại và tái chế rác ở các khu vực khác nhau về cơ bản tương tự nhau. Cụ thể, các khu vực có khung thời gian quy định cụ thể để xử lý từng loại rác thải. Với những loại rác thải lớn, Nhật Bản có chính sách để hạn chế và yêu cầu người xả rác này phải trả tiền. Tại Nhật Bản, việc vứt rác bừa bãi có thể bị phạt rất nặng và thậm chí ngồi tù.

Người dân Nhật Bản thường để các túi rác bên ngoài nhà ở để xe tải đi thu gom rác theo các tuyến đường, do đó, hầu hết là không có các thùng rác ở trước cửa nhà. Để ngăn chặn các loài động vật phá các túi rác trước nhà, các tấm lưới màu xanh được sử dụng để che chắn ngăn chặn.

Ví dụ, tại khu Shibuya ở Tokyo, theo Tân Hoa Xã, để phân loại rác, người dân sở tại cần tham khảo biểu đồ phân loại rác. Rác thải gia đình ở Nhật Bản về cơ bản được chia thành các loại dễ cháy, không cháy, rác cỡ lớn và rác thải “nguồn”. Theo cách phân loại này, người dân sẽ xem xét xem rác thải có thuộc loại không dễ cháy, loại rác cỡ lớn và rác thải “nguồn” không, còn phần lớn rác còn lại được xem là rác dễ cháy.

Rác dễ cháy, về cơ bản là rác có thể đốt, là phổ biến nhất. Rác dễ cháy thường là rác thải nhà bếp, giấy, quần áo cũ, cành và lá cây... Loại rác này thường được xử lý hai lần một tuần trong các túi trong suốt hoặc sáng màu. Một số chất thải dễ cháy khó tái chế như cao su hoặc giày và túi da... thường được đốt trong lò xử lý rác của thành phố.

Có 21 nhà máy đốt rác ở 23 quận của Tokyo.

Rác không cháy bao gồm kim loại, thủy tinh, gốm sứ, pin khô và các thiết bị nhỏ như máy sấy tóc... và thường không phổ biến nên tần suất tái chế loại rác này rất thấp, thường là mỗi tháng một lần.

Rác thải nguồn gồm các chai nhựa, báo, tạp chí và thùng giấy... thường được thu gom mỗi tuần một lần. Thay vì trộn các rác thải nguồn với nhau, điều cần làm là làm sạch, phân loại và đóng gói tất cả các loại rác thải nguồn. Với các chai nhựa, giấy bọc thường bị loại bỏ và chuyển sang chất thải dễ cháy còn thân chai được để tái chế. Với những chai lọ như sữa hoặc đồ uống, giới chức Nhật Bản khuyến nghị người dân rửa sạch trước khi vứt để tránh gây mùi khó chịu cho nhân viên tái chế.

Đối với xử lý rác thải lớn, Nhật Bản có quy định phải thông báo trước và phải trả tiền. Thông thường, rác thải lớn chủ yếu là đồ nội thất dài hơn 30 cm.

Theo chính sách xử lý rác thải lớn ở Nhật Bản, một chiếc ghế sofa đơn có giá 800 yen (7,37 USD) và một ghế sofa đôi có giá 2.000 yen (18,42 USD). Tại Shibuya, để vứt bỏ một máy giặt, người dân phải trả 2.484 yen (22,88 USD).

Vứt rác bị xem là hành vi vi phạm và bị phạt tới 5 năm tù hoặc phạt lên tới 10 triệu yen (92,100 USD) tại Nhật Bản. Nếu xả rác thải công nghiệp bất hợp pháp, các doanh nghiệp ở Nhật Bản có thể bị phạt tới 100 triệu yen (921.000 USD).