Chào sàn với mức giá phi thực tế, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%

Chào sàn với mức giá “phi thực tế”, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%  - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại Saigonbank (Ảnh: IT)

Được biết, với biên độ +/- 40% trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu SGB giá trần sẽ ở mức 36.100 đồng/CP, còn giá sàn sẽ về mức 15.500 đồng/CP. 

Tuy nhiên, sau khi chính thức lên sàn trong ít phút, giá cổ phiếu giảm 4.800 đồng/CP xuống mức 21.000 đồng/cổ phiếu; sau đó liên tục giảm mạnh. Đến đầu phiên chiều, cổ phiếu SGB đã "bốc hơi" 36% so với mức giá chào sàn, tương đương chỉ còn 16.500 đồng/CP.

Chào sàn với mức giá “phi thực tế”, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%  - Ảnh 2.

Cổ phiếu Saigonbank trong ngày đầu giao dịch trên UPCoM

Kết phiên, cổ phiếu SGB về mức giá 15.600 đồng/CP, giảm 10.200 đồng/CP so với giá chào sàn (-39,5%)

Giá chào sàn phi thực tế?

Nhìn vào quy mô của Saigonbank, có thể thấy đây là ngân hàng (NH) thuộc nhóm nhỏ nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam hiện nay.

Được thành lập từ năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng, sự ra đời của Saigonbank nằm trong chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM. Đến tháng 9/2012 vốn điều lệ của ngân hàng được nâng lên 3.080 tỷ đồng và duy trì cho tới thời điểm hiện tại. Dù từ năm 2014, Saigonbank đã có rất nhiều kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên mức 4.080 tỷ đồng, song vẫn không thực hiện được.

Với mức vốn điều lệ này, Saigonbank xếp cùng nhóm với các nhà băng như: KienlongBank, VietBank, NCB, VietABank, NamABank, VietCapital Bank,…

Chào sàn với mức giá “phi thực tế”, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%  - Ảnh 3.

Cơ cấu cổ đông cô đặc của Saigonbank (Nguồn: Cáo bạch của Saigonbank)

Về kết quả kinh doanh, Saigonbank cũng là NH có lợi nhuận kém nhất trong nhóm các NH quy mô nhỏ kể trên. Cụ thể, năm 2019 Saigonbank chỉ đạt lợi nhuận 144 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn KienlongBank (86 tỷ đồng), trong khi đó các nhà băng khác trong nhóm này đạt lợi nhuận rất khả quan, có thể kể đến như: NamABank (925 tỷ đồng); Vietbank (613 tỷ đồng); VietABank (302 tỷ đồng); VietCapitalBank (152 tỷ đồng).

Nhìn xa hơn, năm 2017 Saigonbank chỉ đạt lợi nhuận 55 tỷ đồng, đến 2018 tiếp tục giảm xuống còn 41 tỷ đồng.

Chào sàn với mức giá “phi thực tế”, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%  - Ảnh 4.

Chất lượng vay nợ tại Saigonbank

Vì vậy, việc Saigonbank lần đầu chào sàn UPCoM với mức giá chào sàn 25.800 đồng/CP được giới đầu tư chứng khoán cho là… "phi thực tế". Nói phi thực tế bởi dù có quy mô nhỏ, lợi nhuận lẹt đẹt nhưng giá cổ phiếu này được chào sàn cao hơn cả cổ phiếu HDBank (HDB hiện đang giao dịch ở mức giá 24.450 đồng/CP); cao hơn ACB (giá giao dịch hiện tại 24.700 đồng/CP); cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi, gấp ba thị giá của các nhà băng khác như Sacombank (STB); Eximbank (EIB); Kienglongbank (KLB); LienVietPostBank (LPB)…

Theo tìm hiểu, giá cổ phiếu Saigonbank vào hồi tháng 8-9 vừa qua, được chào mua trên OTC cũng chỉ ở vùng giá 10.000 - 11.000 đồng/CP. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện những thông tin đầu tiên về việc nhà băng này sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM, trên thị trường OTC đã xuất hiện các giao dịch mua bán cổ phiếu này với mức giá dao động từ 19.000 - 20.000 đồng/CP.

Saigonbank có gì "hot"?

Trên thực tế, theo phân tích của một chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), sở dĩ cổ phiếu Saigonbank thu hút sự chú ý của giới đầu tư là vì cơ cấu sở hữu của Saigonbank cho đến thời điểm hiện tại là rất cô đặc, không có bóng dáng các ông chủ tư nhân như các NHTM tư nhân khác. 

Chào sàn với mức giá “phi thực tế”, cổ phiếu Saigonbank lập tức… bốc hơi gần 40%  - Ảnh 5.

Quy mô vốn điều lệ của Saigonbank xếp gần sau cùng trong hệ thống (Nguồn: Cáo bạch của Saigonbank)

Cụ thể, tính đến ngày 29/5, cổ đông lớn nhất của Saigonbank vẫn là Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nắm 18,18% vốn). Kế đến là Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận (nắm giữ 16,64% vốn); Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (nắm 16,35% vốn); và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro - với tỷ lệ sở hữu 14,08%). Bốn đơn vị này tổng cộng đang nắm giữ tới 65,25% vốn của Saigonbank.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở Saigonbank tính đến 29/5/2020 chỉ là 4,997% vốn điều lệ.

Mới đây, Thành ủy TP.HCM cho biết sẽ lui về vai trò giám sát và không làm kinh tế nữa. Như vậy, với chủ trương trên, có thể trong thời gian tới Thành ủy TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có Saigonbank. 

Khi Nhà nước thoái vốn thì Saigonbank có thể sẽ trở thành "miếng bánh thơm" dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân lớn khi thực tế nhà băng này được đánh giá là khá ổn, không có nhiều tai tiếng hoặc có các khoản vay, nợ xấu "khủng" như một số nhà băng khác thuộc nhóm TMCP tư nhân.

Ngoài ra, Saigonbank còn được biết đến là đang có khối bất động sản khá lớn, trong đó có nhiều khu đất vàng như: Khách sạn Riverside Hotel trên đường Tôn Đức Thắng; Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C - Phó Đức Chính (Q.1); tòa nhà nằm trên đường Châu Văn Liêm (Q.5) với 2 mặt tiền; bất động sản số 40 Nguyễn Thái Bình (Q.1); cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở Q.7, và ở nhiều tỉnh, thành…

Được biết, tính đến hết quý 2/2020, Saigonbank đạt lợi nhuận trước thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2019, hoàn thành 96% kế hoạch năm.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/chao-san-voi-muc-gia-phi-thuc-te-co-phieu-saigonbank-lap-tuc-boc-hoi-gan-40-20201015150458082.htm