Đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân,
Để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân, các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán.

Phân bón không chịu thuế đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất xây dựng nghị quyết đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế.

Trên thực tế, mặt hàng này đã từng có mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% vào thời điểm trước ngày 1/1/2015. Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế GTGT trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 trong đó có quy định này. Theo đó, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT); doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lại gặp khó khăn. Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng này vào chịu thuế với mức thuế suất là 5%.

Doanh nghiệp phải cơ cấu lại để không tăng giá bán

 Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội.

Giúp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

“Nếu đánh thuế giá trị gia tăng với phân bón thì lập tức phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế giá trị gia tăng, như vậy, ngân sách sẽ thu được một khoản từ thuế này. Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế sẽ làm cho giá phân bón cao lên, tuy nhiên điều này sẽ tác động giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”. Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội.

 

  Theo Bộ Tài chính, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Quy định này được cho là sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường. Vì vậy, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân, các doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán. Muốn vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải thực hiện các giải pháp như: tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của nghị quyết từ ngày 1/1/2021.

Để có nguồn lực thực hiện chính sách này, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện. Được biết hiện nay, Tổng cục Thuế đang tính toán cụ thể những tác động của chính sách này đối với ngân sách nhà nước.

Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, để chính sách sớm được thực hiện, dự án nghị quyết được trình theo trình tự thủ tục rút gọn, trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới đây. Việc xây dựng dự án nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Đồng thời, việc này cũng bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thực hiện, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Chính sách thuế đối với phân bón nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua. Bộ Tài chính đã rất khẩn trương trong dự thảo dự án nghị quyết để hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Bộ Tài chính, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chính sách này được ban hành kịp thời sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, về lâu dài sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, quay trở lại có đóng góp cho ngân sách cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.

Theo Minh Anh(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-10-12/dua-phan-bon-vao-dien-chiu-thue-gia-tri-gia-tang-5-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-93316.aspx