Dự án PPP chuyển tiếp có được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro?

PPP
Cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo thuận lợi cho các dự án PPP. Ảnh: Bùi Tư
Ngày 16/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Quan hệ đối tác công tư phối hợp cùng Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông tổ chức tọa đàm trực tuyến "Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, Luật PPP được Quốc hội thông qua vào 18/6/2020, có hiệu lực thi hành vào 1/1/2021. Việt Nam xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PPP được coi là công cụ quan trọng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Việc nâng cấp khung pháp lý hợp tác đối tác công tư từ nghị định lên thành luật sẽ tạo nền tảng mạnh mẽ hơn cho việc triển khai các dự án PPP.

Luật PPP với các điểm mới như vốn hỗ trợ của Nhà nước, đấu thầu cạnh tranh, cơ chế chia sẻ, tăng giảm doanh thu, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hi vọng sẽ thu hút được tư nhân tham gia vào các dự án PPP, tạo ra các cơ hội cho nhà đầu tư.

 Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mới, hợp tác công tư vẫn phải đối mặt với thách thức cũ và mới phát sinh đan xen. Thứ nhất, Luật PPP ra đời trong bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thứ hai là hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, sau khi ban hành luật vẫn còn 20 điều khoản nêu trong luật cần hướng dẫn, đồng thời vẫn còn tồn tại nhiều chồng chéo giữa các văn bản có liên quan. Thứ 3 là nguồn lực, năng lực hạn chế ở cả cơ quan nhà nước và các nhà đầu tư PPP.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, do còn các rào cản nên sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào PPP trong thời gian qua còn hạn chế. Hi vọng khi rào cản được dỡ bỏ, sẽ thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Để thúc đẩy đầu tư PPP, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khẩn trương soạn thảo, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cho phù hợp với các thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, tạo khung pháp lý cho sự phát triển PPP. Cùng với đó, thúc đẩy nguyên tắc PPP vì con người, đảm bảo mục tiêu cao nhất của các dự án là vì mục tiêu con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của các dự án.

Cũng theo ông Lộc, bên cạnh tập trung cho các dự án lớn, cần quan tâm đến các dự án nhỏ, được triển khai ngay, góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án PPP cần mang tính khả thi. Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc dự án và hình thành cơ chế tài chính mang tính thực thi, bài bản, công bằng.

Trao đổi với các nhà đầu tư về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án chuyển tiếp, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: "Đối với các dự án cũ, tại Điều 101 Luật PPP đã quy định rất rõ về điều kiện chuyển tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng các dự án PPP có mức độ triển khai khác nhau nên tại Khoản 7 Điều 101 có quy định Quốc hội tiếp tục giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết hơn về Điều 101".

Bà Lê thông tin thêm, theo Điều 82 Luật PPP, cơ chế chia sẻ rủi ro phải được quyết định ngay tại chủ trương đầu tư. Có nghĩa là cơ chế rủi ro phải được đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được hội đồng thẩm định, trên cơ sở khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước có chịu đựng được cơ chế chia sẻ rủi ro đó không thì mới là định hướng triển khai sau này. Còn đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, nếu như nội dung chia sẻ rủi ro đã được nằm trong chủ trương quyết định đầu tư thì sẽ thực hiện bình thường, còn nếu chưa có, theo quy định của Luật PPP sẽ phải làm lại chủ trương đầu tư đó theo quy trình, còn đối với dự án đang triển khai, đã có quy định tại Điều 101.

Trao đổi về phương thức giải quyết tranh chấp, bà Lê cho biết, theo quy định của Luật PPP, PPP là mối quan hệ hợp đồng. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, đầu tiên phải nhìn vào hợp đồng, xem từng bên trong hợp đồng có trách nhiệm gì, xử lý theo hợp đồng. Tiếp theo là xử lý theo khoản 5 Điều 94: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nếu có thiệt hại phải bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm về pháp luật đấu thầu thì xử lý theo vi phạm.

Cũng theo bà Lê, trong hợp đồng PPP, các bên nên thiết kế chia sẻ rủi ro sao cho phù hợp, lượng sức đối với từng bên. Trong nghị định hướng dẫn chung về PPP cơ quan quản lý cũng đang tính đến khả năng thực thi các cam kết của các bên trong quá trình thẩm định dự án./.
Theo Bùi Tư(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-09-16/du-an-ppp-chuyen-tiep-co-duoc-huong-co-che-chia-se-rui-ro-92341.aspx