Phục hồi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ: Sẵn sàng kết nối, khơi thông nguồn lực

Kết nối nhu cầu giao thương quốc tế

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines sáng nay (19.9) chính thức khởi hành chuyến bay quốc tế thường lệ một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản với 56 hành khách nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản lao động, học tập và sinh sống. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, số lượng không lớn do đó việc đáp ứng các quy định về xếp chỗ giãn cách, đảm bảo phòng chống dịch bệnh trên chuyến bay vẫn các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghiêm ngặt.

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho rằng, việc phục hồi các chuyến bay quốc tế thường lệ là tín hiệu khởi sắc cho hàng không Việt Nam khi nhiều quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đồng thời, điều này cũng khẳng định năng lực, hiệu quả phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Sau khi được phép nối lại các chuyến bay quốc tế, trong tháng 9.2020 VNA sẽ triển khai các chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita (Tokyo) khởi hành các ngày 19.9, 25.9 và 30.9.2020; từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Narita khởi hành ngày 30.9. Lịch bay Việt Nam - Nhật Bản trong những tháng tiếp theo sẽ được VNA cập nhập trong thời gian sớm nhất. Các chuyến bay chở khách chiều từ Nhật về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chính thức của các nhà chức trách hàng không. Việc phục hồi các chuyến bay thường lệ đi quốc tế là tín hiệu khởi sắc cho VNA cũng như hàng không Việt Nam khi nhiều quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Cùng đó, hãng hàng không Vietjet cũng công bố khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu học tập, lao động và đi lại an toàn của hành khách. Theo đó, mỗi tuần Vietjet sẽ khai thác một chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh đi Tokyo (Nhật Bản) và một chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh - Seoul (Incheon, Hàn Quốc). Tại Hà Nội, hãng này cũng cho biết sẽ khai thác trở lại đường bay Hà Nội - Đài Bắc - Đào Viên (Đài Loan Trung Quốc) với tần suất 1 chuyến/tuần.

Trước đó, hãng hàng không Bamboo Airways cũng công bố nối lại đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) từ 29.9.2020 với tần suất 1 chuyến/tuần. Đường bay Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) dự kiến sẽ được khôi phục từ 7.10.2020 với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Tần suất khai thác chung sẽ được từng bước tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của các nhà chức trách.

Lan tỏa động lực phát triển kinh tế

Theo một số chuyên gia về kinh tế, sự phát triển từ 2% đến 2,5% của ngành hàng không sẽ kích thích tăng trưởng GDP khoảng 1% và điều này cho thấy ý nghĩa quan trọng trong việc tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Việc mở rộng lại các đường bay quốc tế sẽ giúp cho nhu cầu nối kết lại các vấn đề về giao thương, du lịch, học tập, kinh tế… qua lại giữa các quốc gia sẽ tăng trưởng kinh tế và góp phần ổn định, phục hồi nền kinh tế đất nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường, ngoài việc chống dịch, việc tăng cường vận chuyển bằng đường hàng không quốc tế kết nối bên ngoài, từng bước khôi phục các hoạt động trở lại bình thường, đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn không chỉ là phát triển kinh tế đầu tư, thương mại mà còn là du lịch và giao lưu văn hoá.

PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc nối lại đường bay sớm sẽ giúp Việt Nam kết nối lại với thế giới và những doanh nghiệp có khả năng duy trì được động lực ấy có động cơ tạo lại nguồn lực. Những điều này xuất phát từ những nhu cầu rất bức thiết của nền kinh tế. Nếu hàng không và du lịch nối lại được sẽ lan toả động lực ra, khách du lịch đến sẽ làm sôi động nền kinh tế. Chúng ta cần tính tới những điều kiện và đưa ra phương án quyết liệt và khẩn trương. Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, vấn đề an toàn vẫn là số 1, muốn mở lại chúng ta phải phân tích kỹ cả điều kiện bảo đảm an toàn và nhu cầu đi lại của người dân.

Thủ tướng: Tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 vào ngày 18.9, với sự tham gia của một số tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến, Thủ tướng lưu ý về việc mở một số đường bay quốc tế. Theo đó, mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách ly…

Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.

Cần tạo niềm tin cho hành khách

Theo chuyên gia hàng không - TS Lương Hài Nam, chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết song phương hoặc đa phương để quy định rõ những quy định về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các quy định phòng và kiểm soát dịch… thì mới tạo được niềm tin cho người đi lại về quy định rõ ràng, đi lại an toàn. Nếu không ta sẽ rơi vào tình trạng các nước không có bắt buộc về giãn cách nhưng người dân sẽ tự giãn cách, họ sẽ không thấy an toàn khi đi lại và họ sẽ không đi. Trong trường hợp đó thì các hãng cũng không có khách để mà bay, hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì càng bay càng lỗ.

Do đó, Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở quy mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch.

Theo đó, nên tìm ra những thoả thuận như thế càng sớm càng tốt để chúng ta mở cửa trên những nguyên tắc rất chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và cách mở phải tạo được niềm tin cho người đi lại và người dân thì lúc đó mới có thị trường được. Nếu không lượng khách sẽ không nhiều, các doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ. Cần có sự phối hợp liên ngành tốt trong chuyện này.

Kích hoạt Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2

Bên cạnh đó, Với việc Việt Nam cũng đã nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế đến một số nước đối tác, Tổng cục Du lịch đã chính thức kích hoạt Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2.

Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) Đinh Ngọc Đức cho biết, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, Tổng cục Du lịch có phương án nhằm triển khai, tái kích hoạt các chương trình kích cầu du lịch. Sở Du lịch các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí an toàn, được áp dụng cho 3 nhóm liên quan gồm điểm đến, dịch vụ và khách du lịch, giám sát để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng cam kết.

Khi tham gia các chuyến du lịch, khách du lịch cũng phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế với 4 tiêu chí: Khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế và giữ khoảng cách.

Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào sẽ lần lượt mở lại từ ngày 15 và 22.9.

Từ 22.9, mở thêm hai đường bay Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào.

Mỗi đường bay tần suất không quá hai chuyến một tuần cho mỗi bên và đối tác, số lượng chuyến bay được xem xét tăng thêm phù hợp với thực tế. Những người được phép nhập cảnh gồm: Người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân; chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam; người Việt Nam từ nước ngoài trở về.