Sửa đổi một số đặc thù về quản lý tài chính với Sở Giao dịch chứng khoán

 

Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, ngày 13/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (viết tắt là Nghị định số 122).

Theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) Việt Nam được tổ chức lại để thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019.

Để đảm bảo khung khổ pháp lý cho hoạt động của Sở GDCK Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung của Nghị định số 122 như sau:

Về đầu tư ra bên ngoài và đầu tư dự án

Nghị định số 122 (Điều 9) quy định Sở GDCK, TTLKCK chỉ được đầu tư, góp vốn ra bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này giới hạn lĩnh vực đầu tư, góp vốn ra bên ngoài của Sở GDCK, TTLKCK để tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường chứng khoán.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định về đầu tư ra bên ngoài theo hướng: Sở GDCK Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ được đầu tư vốn ra bên ngoài trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo quy định này, Sở GDCK Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không chỉ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin mà có thể đầu tư phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.

Về chi phí của Sở GDCK Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam

Nghị định số 122 (Điều 11) quy định một số khoản chi phí đặc thù của Sở GDCK và TTLKCK bao gồm: (i) Chi trích lập Quỹ bồi thường thiệt hại thành viên của Sở GDCK và chi trích lập Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ, Quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán chứng khoán phái sinh của TTLKCK; (ii) chi phí của TTLKCK chuyển lại cho Sở GDCK số thu hoạt động giao dịch chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch.

Đối với chi phí trích lập Quỹ bồi thường thiệt hại thành viên của Sở GDCK và chi trích lập Quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ của TTLKCK, Luật Chứng khoán năm 2019 không còn quy định về các Quỹ này. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bỏ quy định về các khoản chi phí đặc thù này và bổ sung quy định chuyển tiếp để xử lý số dư của các Quỹ.

Đối với chi phí trích lập Quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán chứng khoán phái sinh của TTLKCK, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán chứng khoán cho cả thị trường cơ sở và thị trường phái sinh. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định tại dự thảo Nghị định như sau:

Bổ sung quy định về chi phí trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro thanh toán chứng khoán tại quy chế quản lý tài chính của công ty con của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (Điều 7 dự thảo Nghị định); không quy định mức trích Quỹ dự phòng rủi ro thanh toán nghiệp vụ bù trừ chứng khoán tại dự thảo Nghị định mà dẫn chiếu theo pháp luật chứng khoán...

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Lan Phương(Báo Chính phủ)
http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Sua-doi-mot-so-dac-thu-ve-quan-ly-tai-chinh-voi-So-Giao-dich-chung-khoan/407936.vgp