"Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch"

Sáng 14.9, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội đã có báo cáo Kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Đạt được kết quả ấn tượng, nhưng vướng mắc còn nhiều

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trong giai đoạn 2011-2020, ngành điện đã thực hiện 2 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, gồm Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Hiện nay, các cơ quan đang triển khai lập Quy hoạch điện VIII.

Việc xây dựng, thực hiện các quy hoạch điện thời gian qua góp phần thực hiện phát triển ngành điện một cách bài bản. Nguồn điện giai đoạn 2011 - 2019 có sự tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/năm; cơ cấu nguồn theo chủ sở hữu khá đa dạng; hệ thống lưới điện được đầu tư khá lớn với nhiều cấp điện áp.

Tuy đạt được một số kết quả ấn tượng, song Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành điện. Đó là việc xây dựng, ban hành chính sách còn chưa đồng bộ với quy hoạch, điển hình là các dự án điện mặt trời, trong nhiều năm không phát triển nhưng khi có chính sách giá khuyến khích năng lượng tái tạo thì chỉ trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh báo cáo về
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng cần xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch.

Theo ông Thanh, ngành điện chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện”.

Nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ.

Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong quy hoạch. Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2...

Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cũng cho biết, hiện nay cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu. Việt Nam vẫn chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng từ năm 2014 nên chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống.

Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh

Trước nguy cơ Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức thiếu điện giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo UBKT Quốc hội cho hay, cần xây dựng được một quy hoạch điện lực có tầm nhìn dài hạn, tính dự báo chính xác cao, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn là vấn đề cấp thiết.

Ủy ban Kinh tế đề nghị lưu ý một số nội dung sau: Cần rà soát, hoàn thiện các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng. Đổi mới chính sách tài chính theo hướng khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư;

Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện; tạo sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng. Có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện.

Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần được tính toán đồng bộ với việc xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất, tránh lãng phí. Huy động tối đa các nguồn thuỷ điện hiện có; phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thuỷ điện nhỏ và vừa, thuỷ điện tích năng.

Đối với nhiệt điện, khuyến khích các dự án nhiệt điện đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu. Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý.

Về giá điện, cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện.

Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền.