Chờ một chữ V

Ảnh minh họa

Kinh tế Việt Nam cũng đang trong những tháng ngày vật lộn để tìm được chữ cái đúng cho mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt niềm tin vào sự bật dậy của nền kinh tế. “Có một chữ V đang chờ chúng ta”, ông nói. Chữ V, biểu tượng của lao dốc rồi vùng lên như cánh chim đập mãnh liệt giữa bầu trời bão giông, trong khi cả chữ U và chữ W đều là biểu tượng của lao dốc nhưng phục hồi lại trong uể oải. Hai chữ L, chữ I, chỉ có thể mô tả là “thảm khốc”, “đen tối”. Còn chữ K là nền kinh tế lao dốc thẳng đứng với hai nhánh ngược nhau, một số ngành trong nền kinh tế đạt đỉnh cao và ở chiều ngược lại, một số ngành rơi xuống vực sâu.

Hiện, có rất ít quốc gia hy vọng có thể phục hồi theo hình chữ V khi kinh tế thế giới vẫn đang sa vào những điểm rơi tồi tệ, bất chấp mọi dự báo về tình hình sẽ sớm tươi sáng lên. Các phán đoán cho rằng những gì tồi tệ nhất từ ảnh hưởng của đại dịch đã ở phía sau, đều trở nên sai lầm. Ngay cả khi vắc-xin phòng ngừa Covid- 19 vô hiệu hóa được con virut này, thì thế giới vẫn sẽ phập phồng trong tăng trưởng thấp và không chắc chắn cho đến hết năm 2021.

Tại Việt Nam, các kịch bản mới nhất cho tăng trưởng kinh tế cũng đều trong tình trạng nín thở chờ đợi ở tâm thế, mọi con số đều có thể thay đổi ngay và luôn nếu như lại xảy ra diễn biến bất ngờ nào của đại dịch. Theo dự kiến lúc này, tăng trưởng GDP cả năm, với phương án thấp là 1,69%, phương án cao là 2,12%.

Mặc dù các kịch bản này đã thấp hơn một nửa so với các kịch bản trong báo cáo gửi tới Quốc hội hồi tháng 6, nhưng Chính phủ vẫn một ý chí kiên định với “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm vận hành bình thường và không để xảy ra đứt gãy nền kinh tế.

Nhìn trên tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên không ít điểm sáng, CPI tháng 8 đang ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 còn giải ngân đầu tư công đang đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Số hộ thiếu đói giảm tới 75,3%...

Theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch Covid-19. Báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất từ Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) đưa ra dự đoán rằng, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là rõ nhất trong khu vực Đông Nam Á với khả năng tăng trưởng tích cực trong năm nay, GDP tăng khoảng 2 đến 3% trong năm 2020. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Singapore tăng trưởng dự báo âm 5,7%; Malaysia dự báo âm 6%; Indonesia dự báo âm 2,7%; Philippines âm 8,2%...

Đại dịch cũng không làm Việt Nam bước chậm lại tiến trình cải cách. Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Đáng chú ý hơn cả, sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh ở cả 4 nhân tố gồm nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.

Vào thời điểm cuối năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã dùng đến hình ảnh, “mây đen bao phủ toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam”. Đến nay, hình ảnh này sẽ vẫn tiếp tục là thực tế của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam có đủ tự tin để vươn lên hình chữ V.

Theo Đoàn Trần(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-09-14/cho-mot-chu-v-92218.aspx