Tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng

 

Ảnh minh họa

Dự thảo quy định đối tượng áp dụng của Thông tư là: Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện hoạt động chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép thành lập do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

 Về công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu, dự thảo nêu rõ, công cụ chuyển nhượng được tái chiết khấu khi có đủ các nội dung sau: (1) Là công cụ chuyển nhượng đã được bên bán chiết khấu đối với khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; (2) Thuộc sở hữu hợp pháp của bên bán, không có tranh chấp, không được sử dụng để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ khác; (3) Chưa đến hạn thanh toán; (4) Còn nguyên vẹn, không tẩy xóa, sửa chữa.

 Tổ chức tín dụng thỏa thuận, lựa chọn một trong các phương thức tái chiết khấu gồm: (1) Mua có kỳ hạn công cụ chuyển nhượng là việc bên mua mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên bán, đồng thời bên bán cam kết sẽ mua lại công cụ chuyển nhượng đó sau một khoảng thời gian được xác định tại hợp đồng tái chiết khấu; (2) Mua có bảo lưu quyền truy đòi công cụ chuyển nhượng là việc bên mua và nhận chuyển nhượng công cụ chuyển nhượng chưa đến hạn thanh toán từ bên bán; bên bán phải có trách nhiệm thanh toán cho bên mua số tiền còn thiếu theo thỏa thuận trong trường hợp bên mua không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ người có trách nhiệm thanh toán công cụ chuyển nhượng đó.

 Bên mua và bên bán thỏa thuận thời hạn tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng tối đa dưới 12 tháng và đảm bảo không vượt quá ngày bên bán phải chuyển giao công cụ chuyển nhượng đó cho khách hàng (đối với trường hợp bên bán chiết khấu công cụ chuyển nhượng từ khách hàng theo phương thức mua có kỳ hạn) hoặc ngày đến hạn thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên công cụ chuyển nhượng đó (đối với trường hợp bên bán chiết khấu công cụ chuyển nhượng từ khách hàng theo phương thức mua có bảo lưu quyền truy đòi).

 Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng đồng Việt Nam, thì đồng tiền tái chiết khấu là đồng Việt Nam. Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ, tổ chức tín dụng thực hiện tái chiết khấu bằng loại ngoại tệ của công cụ chuyển nhượng đó.

 Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 Theo LP(Báo Chính phủ)

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Tai-chiet-khau-cong-cu-chuyen-nhuong-giua-cac-to-chuc-tin-dung/407364.vgp