Mạnh tay và siết tay

Càng mạnh tay chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ càng siết tay tiết kiệm từng khoản chi, dù là nhỏ nhất trong bộ máy nhà nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, “hoa tươi trong nhiều hội nghị còn nhiều quá; ô tô công vẫn nhiều; một số lĩnh vực, ngành và doanh nghiệp nhà nước vẫn còn xa hoa…”  

Thời nào cũng phải tiết kiệm nhưng thời của dịch Covid-19, phải là thời bộ máy nhà nước thể hiện rõ hơn hết tinh thần triệt để tiết kiệm, để đồng cam cộng khổ, có thêm nguồn lực hỗ trợ nhân dân. Hồi tháng 3, Chính phủ tính toán phải cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%; tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo.

Song Thủ tướng thấy phải triệt để hơn nữa. Vì vậy, khi Chính phủ trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 6, các con số đều phải nâng lên, không phải chỉ ở mức 50% hay 30% mà là cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội chưa điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ từ ngày 1/7/2020. Và Quốc hội đã thông qua đề nghị này.

Hai tiếng “triệt để”, luôn là không dễ dàng. Như với việc cắt giảm hội nghị, công tác nước ngoài tối đa sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng trong năm nay, cùng đó, tiết kiệm thêm các khoản chi thường xuyên khác, đặc biệt là các khoản chi mua sắm trang thiết bị chưa thật cần thiết, sẽ có thêm được khoản kha khá phục vụ cho cuộc chiến với đại dịch Covid- 19… song không phải bộ, ngành, địa phương nào cũng sẵn sàng làm tới nơi tới chốn trong cắt giảm.

Gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2020, đề nghị các địa phương thực hiện yêu cầu triệt để tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng rất mong từng bộ, ngành, địa phương quán triệt, chia sẻ và cùng đồng lòng “thắt lưng buộc bụng”.

Việc đặt ra yêu cầu này cũng là phù hợp với nguyên tắc quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, “thu không đạt dự toán, thì phải điều chỉnh giảm một số khoản chi”. Khi đề xuất chính sách, Bộ Tài chính bao giờ cũng phải tính đến tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Yêu cầu tiết kiệm, nhưng vẫn phải bảo đảm khả năng hoạt động bình thường của tổ chức bộ máy các bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thậm chí với yêu cầu cao hơn về chất lượng và thời gian. Việc đề xuất tiết kiệm cũng đã tính đến yêu cầu chuyển đổi phương thức làm việc trong điều kiện dịch bệnh. Chẳng hạn, thời gian vừa qua, phương thức họp và làm việc trực tuyến ngày càng phổ biến và có thể tiết kiệm thêm rất nhiều từ hình thức này.

Đến hết tháng 7, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 17,67 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, đã có 12,4 triệu người bị ảnh hưởng của đại dịch được hỗ trợ khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng. Cùng lúc, Chính phủ đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Nguồn lực chảy đi ào ạt như vậy, đòi hỏi bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương phải triệt để tiết kiệm nhiều hơn nữa. Hai đầu tàu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã ra những chính sách quản nghiêm ngặt chi tiêu. Hà Nội còn phấn đấu tiết kiệm thêm 15% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, cao hơn so với yêu cầu mà Chính phủ đã đặt ra.

Tại một trong nhưng địa phương nghèo nhất cả nước là Bắc Kạn, ngoài tiết kiệm cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên từ nay đến cuối năm, HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí tiết kiệm thêm 2% chi thường xuyên; với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đấu thầu, trúng thầu, cắt giảm thêm 5%...

Theo Đoàn Trần(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-08-21/manh-tay-va-siet-tay-91266.aspx