Hoạt động của "khu nghỉ dưỡng cô Năng": Chính quyền không biết?

Như đã thông tin ở bài viết trước, “Khu nghỉ dưỡng sinh thái Quyết Thắng” (xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) là nơi được “cô Năng” – một phụ nữ tự nhận có khả năng gọi hồn, sử dụng để công khai truyền bá mê tín dị đoan. Vì nghe lời bà này, nhiều “tín đồ” sẵn sàng bán nhà, rời quê lên ở hẳn trên “khu sinh thái” tạo ra một cộng đồng hết sức dị biệt.

“Khu nghỉ dưỡng” kỳ dị

Tuy vậy, khi bước qua cánh cổng để vào bên trong khuôn viên rộng lớn, cái tên "cô Năng" lại vô cùng nổi bật, được tất thảy cư dân đang sinh sống tại "khu nghỉ dưỡng sinh thái Quyết Thắng" nhắc đến.

Quan sát thực tế cho thấy, hầu hết họ đều là những người lớn tuổi, bề ngoài hiền lành chất phác, vì tin theo quyền phép của "cô Năng" mà bỏ quê quán, nhà cửa lên đây định cư trong những căn nhà nhỏ xíu mọc san sát, khép kín kiểu nhà trọ công nhân.

Ngoại trừ một số căn ở khu vực cổng vào khá bề thế và nổi bật cùng nội thất chau chuốt, phần lớn các căn nhà trong "khu sinh thái" chỉ có một tầng, đánh số để chia theo dãy, sơn màu hồng nhạt và có đường điện nước riêng biệt.

“Khu nghỉ dưỡng Quyết Thắng” khá rộng lớn vẫn đang tiếp tục được xây dựng.
“Khu nghỉ dưỡng Quyết Thắng”  rất rộng lớn và vẫn đang tiếp tục được xây dựng.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hà - người có căn nhà rộng khoảng 150m2, giá 1 tỉ đồng - cho biết đã theo "cô Năng" được hàng chục năm. Vợ chồng bà có nhà ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) nhưng không ở mà lên đây mua nhà ở cho thoải mái.

Còn ông Lê Văn Nhanh quê huyện Nam Trực, Nam Định cho biết, "khu nghỉ dưỡng" này đi vào hoạt động từ khoảng năm 2012 và có rất nhiều mức giá, đủ cho mọi nhu cầu từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

"Khu này nhiều người ở lắm. Khóa cửa thế thôi nhưng có chủ hết rồi. Nay mai khu kia người ta cũng lên ở hết. Nếu mua trong này thì giá khoảng 400 - 500 triệu. Còn ở đầu cổng vào thì đắt hơn. Không cho thuê đâu, chỉ bán thôi" - ông Nhanh vừa nói, vừa chỉ tay về những dãy nhà nằm sát cạnh nhau.
 
Ông Nhanh sau đó dẫn chúng tôi vào căn nhà ông mua từ năm 2013, diện tích khoảng 50m2, khép kín với hai phòng ngủ.

Người đàn ông cho biết đã có gia đình với vợ và bốn người con nhưng nghe theo "cô Năng" quyết lên đây sống một mình, thi thoảng mới về quê hoặc cho con cái lên thăm.

Một điều kỳ lạ, khi được hỏi về các thủ tục giấy tờ mua bán hay sổ đỏ, hầu hết người dân sinh sống tại đây đều cố gắng né tránh trả lời, hoặc chỉ thừa nhận "sắp được làm", "cô Năng sẽ lo cho".

Bên trong ngôi nhà trị giá khoảng 400 - 500 triệu đồng tại “khu nghỉ dưỡng“.
Bên trong ngôi nhà trị giá khoảng 400 - 500 triệu đồng tại “khu nghỉ dưỡng“.

Tương tự với câu hỏi về việc đăng kí tạm trú tạm vắng, họ cũng không tỏ ra cần thiết. Theo đó, người dân cho biết cứ lên sống vì thấy “mát mẻ” chứ cũng chưa nghĩ đến việc phải đăng ký với chính quyền địa phương. Chuyện tranh chấp tài sản (nếu có) cũng chưa bất cứ ai nghĩ đến....

Mục sở thị lời chào mua nhà 

Theo tìm hiểu của PV, "cô Năng" tên thật là Dương Thị Lan, sinh năm 1964, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên. Đơn vị lập ra "Khu nghỉ dưỡng sinh thái Quyết Thắng" là Công  ty thương mại và du lịch Anh Hiếu trụ sở tại Hà Nội, có đại diện pháp luật là người thân của bà Lan, ông Dương Văn Hiếu. 

Tuy có hàng trăm "tín đồ" rải khắp các địa phương nhưng việc tiếp cận với "cô Năng" không hề đơn giản. Chỉ những người thân tín mới có thể gặp gỡ hay trao đổi trực tiếp. Bởi người phụ nữ này thường xuyên di chuyển giữa hai địa điểm Hà Nội và Thái Nguyên, lịch trình rất khó nắm bắt. 

Bà Dương Thị Lan (tức “cô Năng“).
Bà Dương Thị Lan (tức “cô Năng“).

Trong vai người có nhu cầu mua nhà tại "khu nghỉ dưỡng", phóng viên có dịp chạm mặt người phụ nữ này. Sau màn tra hỏi thông tin khá gắt gao, “cô Năng” bắt đầu vào việc, khoe rằng "khu sinh thái" đã rất đông người mua, đang phải xây mới thêm nhiều nhà nữa. 

Lúc này, "cô Năng" (tức bà Lan) không xưng “cháu” như lúc “làm phép” trước cả trăm "tín đồ" nữa mà chuyển qua xưng hô tự nhiên.

Bà nói: "Nếu mua tầm 500 - 600 triệu trở lên thì cố mua mấy nhà chỗ ngoài cổng vào (có giá khoảng 1 tỉ đồng - PV). Trả góp cũng được, cứ đặt cọc xong rồi trả dần. Bây giờ vào cứ trước mắt đặt cho tôi 100 - 200 triệu…

Nhà ở đây là dạng nhà ở xã hội, nghỉ dưỡng, tất cả là vào công ty cổ phần. Mua đi bán lại bình thường, nếu không thích lại bán cho người khác".

“Cô Năng” nói về các bước mua bán nhà.

PV hỏi có nhu cầu tách sổ đỏ thì có làm được không, người này cho biết: "Tách sổ thì vẫn tách được nhưng ở đây không ai muốn tách vì họ muốn để chung như vậy cho thành một quần thể, để họ cùng sử dụng, hưởng thụ chung (?!)". 

Bà này cũng nói thêm rằng loại nhà khoảng 400 - 500 triệu đã hết sạch, đang cho thi công xây dựng thêm các căn nhà có giá trên dưới 1 tỉ đồng. "Nhà ở đây họ lên ở kín hết rồi. Toàn cán bộ ở đấy, chật hết rồi" – bà Lan cho hay. 

Người phụ nữ sau đó bảo ông Nhanh đưa chúng tôi đi xem một số căn nhà khá bề thế có giá dao động từ 1 - 2 tỉ đồng, nằm ngay đầu cổng "khu sinh thái".

Nhiều dấu hiệu vi phạm 

Ngày 27.7, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Trần Trọng Đạt - Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) cho biết đất ở khu vực "khu nghỉ dưỡng sinh thái Quyết Thắng" là dạng đất vườn, và không hề có dự án nào được đăng ký triển khai. 

Liên quan đến thông tin có người núp bóng khu nghỉ dưỡng để mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng như có biểu hiện truyền bá mê tín dị đoan, tụ tập người dân khắp nơi về ở tạo thành khu dân cư, ông Đạt nói "chưa nhận được phản ánh về vấn đề này".

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch xã cũng cho biết chưa có thủ tục mua bán nào tại khu vực trên được thông qua chính quyền địa phương.

Ông Trần Trọng Đạt - Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Ông Trần Trọng Đạt - Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Trong khi đó, ông Đinh Công Ích - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP. Thái Nguyên thì hoàn toàn bất ngờ với thông tin PV phản ánh. Ông này nói không hề biết và sẽ cho đi kiểm tra ngay. Tuy nhiên sau hơn 1 tuần lễ, ông này trả lời PV là "chưa nhận được báo cáo" rồi cũng không có động thái gì thêm.

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), nếu mục đích sử dụng đất hiện tại của khu đất được ghi nhận là đất vườn, để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ. 

Trường hợp này, nhà đầu tư phải lập dự án xin quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 32 Luật đầu tư số 67/2014/QH13.

"Việc nhà đầu tư tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, tự ý triển khai dự án khu nghỉ dưỡng được xác định là hành vi vi phạm Luật đầu tư, vi phạm Luật đất đai. Dự án khu nghỉ dưỡng có mục đích sử dụng đất khác hoàn toàn với việc xây dựng nhà ở thương mại để bán.

Trong trường hợp giả sử có dự án khu nghỉ dưỡng được phê duyệt mà muốn chuyển sang dự án nhà ở thương mại thì  nhà đầu tư buộc phải xin điều chỉnh dự án và được sự phê duyệt của UBND cấp tỉnh" - luật sư Quách Thành Lực cho biết.