Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2020

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 1300/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2020

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2020

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng  7 năm 2020, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 7/2020

Trong tháng 7/2020, VCCI tổng hợp,  thống kê có 25 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến các bộ, ngành, địa phương. Các kiến nghị trong tháng này chủ yếu đề nghị giải đáp, hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo.

Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Qua theo dõi cho thấy:  Bộ Tài chính  là cơ quan nhận được nhiều kiến nghị nhất (10 kiến nghị),  chủ yếu liên quan đến thuế, phí,  bảo hiểm; Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 05 kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 04 kiến nghị còn lại là các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung cơ bản của các kiến nghị chủ yếu: đề xuất  sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu; góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020; Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung số 43/2017/NĐ-CP: Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Ngoài ra có một số kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp. Đặc biệt trong tháng này có kiến nghị của Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh đã kiến nghị nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, nội dung cụ thể: Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và UBND tỉnh Hải Dương đã có các công văn số 1489/UBND-VP ngày 13/8/2010, công văn số 2005/UBND-VP ngày 21/6/2019, công văn số 177/UBND-VP ngày 17/1/2020, công văn số 1011/UBND-VP ngày 31/3/2020 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét cho ý kiến về việc chuyển nhượng, tiếp nhận thông tin, kết quả thăm dò khoáng sản theo giấy phép số 2714/GP-BTNMT ngày 22/12/2005 giữa Công ty cổ phần khai tháng, chế biến khoáng sản Hải Dương và Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh tại Khu I, Mỏ sét Trúc Thôn, phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương có đúng quy định pháp luật hay không? Đến nay, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh vẫn chưa nhận được trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương

2.1. Tình hình trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 4/2020:

Trong tháng 7/2020, VCCI nhận được 23 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 11 bộ, ngành, địa phương . Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Nhìn chung kết quả trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương kịp thời, sát với yêu cầu của Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Các trả lời kiến nghị phần lớn liên quan đến hướng dẫn quy định, xử lý khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Trong tháng này, Bộ Tài chính là cơ quan trả lời kiến nghị nhiều nhất (vì nhận được nhiều kiến nghị) và cũng là cơ quan trả lời kiến nghị nhanh, đúng hạn. Các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Đồng Nai cũng là cơ quan trả lời kiến nghị kịp thời, thậm chí có kiến nghị của doanh nghiệp từ đầu tháng nhưng đến cuối tháng đã có văn bản trả lời.

2.2. Các kiến nghị chưa được giải quyết trong tháng 7/2020:

Qua theo dõi của VCCI, từ 01/6/2020 đến hết 31/7/2020, còn 09 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời và đã quá hạn trả lời. Nguyên nhân các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến việc các quy định của pháp luật còn bất cập, các Bộ, ngành, địa phương cần phải có thời gian nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Ngoài ra, một số kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa cụ thể, rất chung chung nên các Bộ, ngành, địa phương chưa trả lời.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương trong tháng này được trình bày trong Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp từ  tháng trước.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 7/2020, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp .

- VCCI đã tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (văn bản góp ý thứ 3 sau phiên họp thẩm định); Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực; Thông tư thay thế Thông tư 48/2014/TT-NHNN quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

- Tổ chức Hội nghị doanh nghiệp thường niên khu vực Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 – Kịch bản cho ĐBSCL và sự lựa chọn của doanh nghiệp”. Hội nghị đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp từ 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tham dự. Các diễn giả và đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi về các vấn đề về tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch, viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2020, kịch bản kinh tế vùng ĐBSCL và một số định hướng chiến lược cho doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Nhân dịp này, VCCI đã trao Chứng nhận hội viên cho 87 doanh nghiệp, nâng tổng số hội viên VCCI khu vực ĐBSCL lên 1000 doanh nghiệp.

- Chủ trì tổ chức “Diễn đàn Bất động sản: Cơ hội mới từ Chính sách và Thị trường”. Chương trình có sự tham gia và chủ trì của Chủ tịch VCCI; lãnh đạo Bộ Xây dựng; Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; cùng nhiều đại diện các tập đoàn, công ty bất động sản lớn và các cơ quan thông tấn báo chí. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI cho biết diễn biến của thị trường bất động sản là một trong những chỉ báo quan trọng của sự phát triển, sự đô thị hoá của một nền kinh tế. Bất động sản, xây dựng là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, đồng thời kéo theo các lĩnh vực liên quan phát triển. Tuy nhiên thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của COVID-19, các dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường bất động sản. Đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi. Với chính sách tài khoá, phải nới mở hơn để giải quyết vấn đề thanh khoản, đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, VCCI đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà xét 20 điểm chồng chéo trong chính sách đất đai, xây dựng mà VCCI đã kiến nghị để có sự điều chỉnh phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

- Phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019. Dự thảo được tổ chức nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Tại hội thảo, đại diện nhiều công ty chứng khoán lớn đã tham gia đóng góp cho dự thảo Nghị định, nêu ra một số vướng mắc cần điều chỉnh như: cần cân nhắc quy định giao cho tổ chức phát hành xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các quy định liên quan đến hoạt động của nhà đầ tư nước ngoài, các điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng… Đại diện VCCI đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến tham luận của doanh nghiệp và các chuyên gia, tổng hợp và trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, sẽ có góp ý bằng văn bản gửi Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định.

- Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), VCCI đã tổ chức Chương trình Đối thoại cùng báo chí với chủ đề: “Phát triển bền vững doanh nghiệp, bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19”. Chương trình đối thoại nằm trong chuỗi hoạt động thường niên dành cho các đối tác truyền thông, báo chí trong mạng lưới Báo chí về Phát triển bền vững (PTBV) do VBCSD-VCCI tổ chức với mục tiêu cung cấp những thông tin hữu ích về các chủ điểm PTBV quan trọng được Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới quan tâm, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong công cuộc hạn chế rác thải nhựa và phát triển các mô hình kinh tế có khả năng kiến tạo sự thịnh vượng bền vững, thân thiện với môi trường. Tại buổi đối thoại,  theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch bệnh toàn cầu Covid-19 đã phơi bày lỗ hổng quản trị trong doanh nghiệp Việt, đó là vấn đề về khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng... Đại dịch lần này không chỉ là phép thử năng lực, sức chịu đựng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại chiến lược dài hạn của mình, cũng như nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của phát triển bền vững. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD phát triển 5 năm qua đã trang bị cho doanh nghiệp như một công cụ để có thể chống chọi được trước những ảnh hưởng về mặt kinh tế. Bộ Chỉ số CSI 2020 đã được cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã ký kết gần đây, cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường của doanh nghiệp. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững 2020.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Phối hợp với Tổ chức SME Support Japan (SMRJ) đồng tổ chức chương trình kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam (hợp tác trao đổi kỹ thuật, ủy thác sản xuất, mua, bán các sản phẩm của Việt Nam, trao đổi các thông tin...). Chương trình kết nối giao thương trực tuyến được tổ chức thông qua hình thức họp trực tuyến. Toàn bộ các kết nối giao thương đều có sự tham gia của phiên dịch viên (tiếng Việt và tiếng Nhật) nhằm tạo hiệu quả kết nối tối đa cho các doanh nghiệp tham gia. Chương trình không thu phí, được tổ chức trong 4 ngày, mỗi ngày có 4 phiên giao thương. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI và SMRJ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động được thực hiện dựa trên Hệ thống kết nối kinh doanh trực tuyến J-Good Tech (www.jgoodtech.jp) do SMRJ phát triển. Đây là nền tảng liên kết các công ty tin cậy trên toàn thế giới với các doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu những sản phẩm, công nghệ và dịch vụ xuất sắc với thông tin của trên 7.000 công ty từ Nhật Bản và các nước khác hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, logistic, dịch vụ công nghiệp...

- Tổ chức một số hội nghị, hội thảo trực tuyến, hoạt động đào tạo online theo chuyên đề: Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm mô hình gắn kết doanh nghiệp logistics với giáo dục nghề nghiệp: Giải pháp nhân lực hậu Covid-19” tại TP.Hồ Chí Minh; Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu” tại TP.Hồ Chí Minh; Diễn đàn “Doanh nghiệp với báo chí: Cơ hội hợp tác từ khủng hoảng Covid-19” tại Hà Nội; Hội thảo “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” tại Hà Nội; Hội nghị “Phổ biến và giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, chứng từ kế toán và hóa đơn điện tử” tại Tuyên Quang…

- Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hội thảo “Đánh giá quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”. Tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Qua khảo sát, đa số DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước đã nhận thức được các qui định hiện hành về PCTN trong khu vực tư, tuy nhiên còn chưa đầy đủ, đúng với qui định. VCCI đã thực hiện Báo cáo đánh giá qui định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, theo đó, kiến nghị cần có hướng dẫn để DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN để từ đó chủ động thực hiện trong DN, tổ chức, hiệp hội mình; đồng thời có quy định trong Điều lệ, Quy định của DN, tổ chức, hiệp hội mình về các trách nhiệm đó. Yêu cầu DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm hạn chế rủi ro và phòng ngừa tham nhũng. Các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội cần thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của DN, tổ chức; quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định và thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức.

- Hoàn thiện Cẩm nang Hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp; Cẩm nang Hướng dẫn doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ; Green book về PPP; Cẩm nang cam kết FTA cho ngành gỗ, thuỷ sản, thịt; Cẩm nang Tóm lược EVFTA.

- Làm việc với các đối tác Mạng lưới ASEAN về Phát triển bền vững (CSR-ASEAN network), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thế giới (WBCSD), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư về triển khai Sáng kiến Diễn đàn Hợp tác cấp cao vì Mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G) giai đoạn mới…

- Thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ giải pháp cải thiện theo yêu cầu của các tỉnh, địa phương, nhằm thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Lâm Đồng, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Tĩnh…

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Nơi nhận :

Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   

 Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 7/2020 (Tải về)