Kích cầu du lịch nội địa: Ngăn “loạn” cò mồi, chèo kéo du khách

Muôn kiểu cò mồi, chèo kéo khách

 

Cuối tháng 6, Công an TP.Hải Phòng thông tin, Công an huyện Cát Hải phối hợp với các lực lượng phát hiện xử lý 9 vụ, với 10 đối tượng có các hành vi cò mồi, tranh giành khách du lịch ở các điểm đón trả khách từ tháng 5.2020 đến nay.

Cụ thể từ giữa tháng 5, Công an huyện Cát Hải đã phát hiện đối tượng Nguyễn Khắc Vinh (SN 1992, ở xã An Thắng, huyện An Lão), có hành vi chèo kéo khách du lịch tại khu vực Tổ dân phố 18, thị trấn Cát Bà xuống một nhà hàng bè nổi để ăn trưa, sử dụng dịch vụ. Mục đích của đối tượng là không để khách vào các nhà hàng khác nhằm hưởng lợi nhuận 20% từ hóa đơn khách du lịch trả cho nhà hàng.

Ngoài ra, còn có các đối tượng Văn Hải và Nguyễn Viết Lâm (cùng sinh năm 1999, ở huyện Vĩnh Bảo). Theo đó, 2 đối tượng trên đã có hành vi “cò mồi” đưa khách tại khu vực Tổ dân phố 16, thị trấn Cát Bà xuống một nhà hàng bè nổi để ăn trưa, không cho khách du lịch vào nhà hàng khác nhằm hưởng lợi 10% từ hóa đơn khách du lịch trả cho nhà hàng. Công an huyện Cát Hải đã phát hiện xử lý thêm 7 trường hợp có hành vi “cò mồi”, chèo kéo du khách để được hưởng phần trăm hoa hồng, tại các điểm đón trả khách trên địa bàn thị trấn Cát Bà.

Tương tự tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), du khách cũng phản ánh tình trạng chèo kéo, giành giật ngay sau khi khách vừa bước chân lên đảo. Trong đó, nổi bật lên tình trạng “cò mồi” giành giật khách để bán lại cho các cơ sở lưu trú để lấy hoa hồng. Nhiều đoàn khách đã đăng ký đặt phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ cũng bị lôi kéo dù không muốn.

Mới đây, bạn đọc Thế Đạt đã chia sẻ câu chuyện “trải nghiệm” của mình trong dịp trở lại Sầm Sơn - Thanh Hoá cách đây vài ngày. Theo anh Đạt, mặc dù chất lượng phục vụ ở Sầm Sơn đã rất cải thiện, phần nào làm hài lòng du khách thì vẫn còn một vài hiện tượng, cá nhân tranh thủ “móc túi” khách hàng. “Buổi tối bắt xe điện đi cà phê bãi biển. Chúng tôi 4 người ngồi lên một chiếc xe điện. Cẩn thận hỏi giá trước, 50.000 đồng bao cả đội. Xong ngồi lên đã phải xuống. Nhởn nha nhấm nháp vị đắng cà phê, hít từng cơn gió mặn mòi biển xứ Thanh xong, lúc về, lại bắt xe điện. Vẫn nghĩ từng đó người, 50.000 đồng bao chuyến. Lúc xuống xe, lái xe điện bảo 200.000 đồng. Tôi ngạc nhiên, vừa nãy bọn tôi đi y quãng đường như vậy có 50.000 đồng. Người lái xe lúc đó mới nói giọng khó chịu, vừa nãy các anh đi 50.000 đồng là lái xe đã được chủ quán giả thêm rồi. Giờ về khách sạn không đi đâu thì em lấy đúng giá. Thế là chúng tôi cãi nhau. Cuối cùng bác tài thân thiện chịu lấy giá 100.000 đồng. 

Rồi lại một đêm, chúng tôi đi bộ từ khách sạn đi ăn, gọi mỗi người một bát mỳ hải sản. Thằng bé cầm cái menu đứng vậy, các anh ơi vào đây đi, mỳ 50.000 đồng/ bát thôi ạ. Vào ngồi bàn vẫn cứ cẩn thận hỏi bao tiền bát mỳ, nhân viên oder bảo 70.000 đồng/bát. Hỏi thì nhân viên bảo thằng bé  đứng chào khách thì nó phải nói thế, mỳ 50.000 đồng là mỳ trứng anh ạ. Thôi thì cũng tặc lưỡi cho xong. Ăn đâu đấy, gọi ra tính tiền. Lại nhân viên khác, tính 4 bát, 320.000 đồng. Lại cãi nhau. Nhà hàng bảo mỳ hải sản bọn em lên giá 80.000 từ lâu rồi…”.

Anh Đạt khẳng định không phải quán nào cũng thế, không phải lái xe điện nào cũng tranh thủ lấy thêm tiền khách ngoài thoả thuận, nhưng chính những việc nhỏ nhỏ thế này làm du khách khó chịu, mất cảm tình và có thể làm ảnh hưởng tới những nỗ lực của chính quyền ở đây muốn biến Sầm Sơn trở lại là điểm du lịch an toàn, được ưa thích.

Giảm giá, kích cầu là không đủ nếu…

Để thu hút khách du lịch nội địa, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp kích cầu. Điển hình là giảm giá. Thậm chí, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đã từng đưa ra ý tưởng táo bạo là đề nghị nhà nước hỗ trợ khách du lịch là mỗi khách đi tour trọn gói (khách mua dịch vụ lẻ không được hưởng) của công ty du lịch sẽ được tặng 1 triệu đồng, trừ trực tiếp vào giá tour và doanh nghiệp sẽ được nhà nước khấu trừ lại khi nộp thuế.

“Nếu từ nay đến cuối năm có khoảng 10 triệu lượt khách nội địa đi du lịch trong nước, nhà nước sẽ bỏ ra khoảng 10.000 tỉ đồng từ chính sách tặng 1 triệu đồng/du khách đi tour. Mỗi người đi du lịch sẽ chi tiêu ít nhất từ 3-5 triệu đồng, tương đương khoảng 30.000 - 50.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch. Chính sách này rất cần thiết để hồi sinh ngành Du lịch” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Hay tại TPHCM, chương trình kích cầu du lịch nội địa của TPHCM bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến cuối năm nay, với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10 - 70%. Du lịch TPHCM kỳ vọng sẽ khôi phục 80% nhờ kích cầu nội địa.

Công bằng mà nói, nhiều năm qua, ngành Du lịch và các địa phương đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nạn chặt chém, chèo kéo du khách, tạo ra môi trường du lịch lành mạnh tại hầu khắp các địa phương. Song trong bối cảnh hậu giãn cách bởi COVID-19 hiện nay, việc cạnh tranh, giành khách rất khốc liệt. Các doanh nghiệp làm du lịch, hệ thống dịch vụ đi kèm cũng đang trông vào thời gian ngắn ngủi để tăng doanh thu thì nguy cơ bùng phát những hiện tượng tiêu cực trong xã hội có thể sẽ trở lại.

Điều đáng nói là nghị định 45/2019/ND9-CP có hiệu lực từ tháng 8.2029 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch thì chế tài cho hành vi chèo kéo, nài ép khách du lịch còn quá nhẹ, thiếu tính răn đe. Cụ thể, khoản 3, điều 6 Nghị định 45/2019/NĐ-CP chỉ có thể quyết định xử phạt hành chính cao nhất với các đối tượng chèo kéo, cò mồi du khách với mức phạt 3 triệu đồng/đối tượng.  

Còn với những nhà hàng có dấu hiệu chặt chém thì mức phạt cũng chỉ 10 triệu đồng. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức phạt để trả lại môi trường an toàn, văn minh cho du lịch.