Đối thoại với DN châu Âu: Lắng nghe khó khăn, tìm kiếm sáng kiến cải cách

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Sáng 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ và ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA

Với chủ đề “Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA”, hội nghị nhằm thảo luận về cải cách hành chính trước thềm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hội nghị được trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và fanpage Thông tin Chính phủ.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ, ngành như: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ cùng cộng đồng doanh nghiệp EuroCham, các phái đoàn ngoại giao… để cùng thảo luận về các kế hoạch cải cách TTHC, góp phần mở khóa toàn bộ tiềm năng của Hiệp định EVFTA.

Phát biểu khai mạc đối thoại, Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier nhấn mạnh, năm 2020, việc triển khai thành công EVFTA rất quan trọng. Để EVFTA đi vào hiệu lực, điều quan trọng là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi. Trong đó, có việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.

"Quan trọng hơn nữa là những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư cởi mở cho doanh nghiệp", ông Nicolas Audier nêu ý kiến.

Chủ tịch EuroCham cảm ơn Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 và cho rằng Việt Nam có thể trở thành mô hình thành công trong ứng phó với dịch bệnh. Đây là thời điểm phù hợp để triển khai thành công EVFTA bởi Việt Nam đang phục hồi sau dịch COVID-19 và EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh quan hệ Việt Nam và EU.

Khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8, một trong những yếu tố hàng đầu đó là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.

Chủ tịch EuroCham cũng cho biết đó là lý do EuroCham xuất bản Sách Trắng (ấn bản thứ 12) là nhằm chia sẻ mục tiêu với Chính phủ về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang có cơ hội vàng để tận dụng EVFTA và thu hút FDI từ các công ty EU- những doanh nghiệp đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện với doanh nghiệp. 

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)- Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Nhiều giải pháp mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết đây là lần thứ 3 kể từ năm 2018 đến nay Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Việc đối thoại đã trở thành hoạt động thường niên của Hội đồng Tư vấn và EuroCham tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP hoan nghênh và ghi nhận những nỗ lực của EuroCham trong hoạt động công bố Sách Trắng 2020 và đánh giá cao chủ đề của Sách Trắng EuroCham năm nay là Cải cách TTHC-vai trò thiết yếu trong thực thi Hiệp định EVFTA. Ấn phẩm này đã phản ánh một cách thực chất những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc triển khai Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định EVIPA sẽ tạo dựng những khuôn khổ ổn định, lâu dài nhằm tối đa hóa tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư tương xứng với tầm vóc của quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế-xã hội, tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời, xác lập “trạng thái bình thường mới”, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

 Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Liên quan tới nền kinh tế Việt Nam, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt mức 2,7%-4,9% do nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, tuy nhiên, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công, từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Việc giải quyết TTHC được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 đi vào hoạt động, đến nay, đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hết sức hoan nghênh và khuyến khích các đại biểu hiến kế trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các rào cản đó.

Về phía Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, sẽ tổng hợp quá trình đối thoại để sau Hội nghị phối hợp với EuroCham tại Việt Nam hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Huy Hoàng(Báo Chính phủ)

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Doi-thoai-voi-DN-chau-Au-Lang-nghe-kho-khan-tim-kiem-sang-kien-cai-cach/399333.vgp