Thực thi EVFTA: Muốn có mùa vụ bội thu thì phải ra đồng sớm

hoi nghi
Thảo luận về định hướng, giải pháp tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức của Hiệp định EVFTA. Ảnh: T.U

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh tại hội nghị "Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam sau cú sốc Covid-19", diễn ra sáng 29/6, do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Đa số DN vẫn đứng ngoài "cuộc chơi" EVFTA

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế, thương mại nước ta trong thời gian qua. Về thương mại, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước giảm 2,8%. Trong đó, xuất khẩu giảm 0,9% và nhập khẩu giảm 4,6%.

FOB (Free on board) là hoạt động mua bán hàng hóa mà người bán hàng hoàn thành trách nhiệm khi hàng đã được xếp lên boong tàu tại cảng xếp. Người mua sẽ book tàu vận chuyển hàng, chịu chi phí cước tàu biển, làm thủ tục thông quan nhập khẩu, thuế cũng như các chi phí phát sinh khác, cho đến khi hàng về đến kho người mua.

CNF (Cost And Freight) là một thỏa thuận vận chuyển mà người bán trả tiền các khoản tiền liên quan như cước phí thông quan xuất khẩu... để giao hàng đến cảng gần nhất cho người mua.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, DN sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân đầu người đạt hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

"Các DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định" - ông Khánh nhấn mạnh.

Chia sẻ về câu chuyện này, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày bị sụt giảm tới hơn 10%, tháng 4 giảm 21% và tháng 5 giảm sâu 50%. Trước tình hình đó, Hiệp định EVFTA được thực thi càng sớm thì sẽ càng giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, bù đắp thiếu hụt và giúp cho ngành tăng trưởng trở lại mức 10% cho những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương lo lắng, dường như các DN chưa thực sự quan tâm tích cực đối với "sân chơi" EVFTA. Đơn cử, trong thời gian dài qua, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã đăng tải các nội dung của Hiệp định EVFTA, trong đó có mục hỏi đáp. Song, cho đến giờ phút này, khi hiệp định đã kết thúc đàm phán 5 năm rồi nhưng vẫn chưa có câu hỏi nào từ phía DN.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích, điều này cũng dễ hiểu vì 50% DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất… Hơn nữa, trong số 50% DN xuất nhập khẩu này lại chủ yếu là kiểu bán FOB và mua CNF. Tức là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua một cách bị động; đồng thời ngồi chờ tại cảng và nhập khẩu không quan tâm đến mức thuế bên ngoài.

"DN dường như không quan tâm đến việc khách hàng đến mua sẽ là ai và mức thuế tại các nước đối tác là bao nhiêu. Thực tế cho thấy, chỉ những DN phải trực tiếp trả thuế nhập khẩu bên châu Âu thì mới quan tâm" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

"Muốn có một mùa vụ bội thu thì cần phải ra đồng sớm"

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, dự kiến ngày 1/8, Hiệp định EVFTA sẽ được thực thi và được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội mới cho DN cả phía Việt Nam và EU, giảm bớt tác động tiêu cực của Covid-19. Theo đó, để hiện thực hóa cơ hội, Chính phủ và DN còn rất nhiều việc phải làm.

Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho thực thi EVFTA của các cơ quan chức năng liên quan. Trong đó, đánh giá cao sự nỗ lực của một số bộ, ngành, đơn vị như Bộ Tài chính, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Lefaso, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep)...

Trình bày về kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Tài chính, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch với nội dung do Bộ Tài chính phụ trách.

Về cơ bản, Bộ Tài chính thống nhất với kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định nhiệm vụ chủ yếu về tuyên truyền, phổ biến thông tin, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực. "Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã xây dựng danh mục và lộ trình các cam kết cần được nội luật hóa và xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định EVFTA" - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tìm kiếm những giải pháp, vạch ra được chiến lược, bí quyết để giúp DN nắm vững thời cơ, biến cơ hội từ việc thực thi Hiệp định EVFTA thành đòn bẩy để chúng ta vượt lên trên thách thức, khó khăn.

Trong đó, ý kiến thảo luận của các đại biểu chủ yếu tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính bao gồm: thuế quan; hải quan; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường EU; công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA; và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ DN trong giai đoạn hậu Covid-19.

Song, các đại biểu cùng cho rằng, quan trọng hơn cả, bản thân DN cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của hiệp định mà của cả thị trường EU. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động nắm bắt cơ hội từ phía DN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ví von: Muốn có vụ mùa bội thu, chúng ta cần phải dậy sớm để đi ra đồng sớm.

Mặt khác, theo đại diện Lefaso, EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các DN còn yếu và cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có điều kiện gia nhập cao như châu Âu. "Về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, DN cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống, biến động" - bà Xuân nhấn mạnh./.

Theo Tố Uyên(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-06-29/thuc-thi-evfta-muon-co-mua-vu-boi-thu-thi-phai-ra-dong-som-88803.aspx