Hà Nội tái khởi động kinh tế sau đại dịch COVID-19: "Đó là kỳ tích"

Sáng 27.6, diễn ra Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và hơn 1.800 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố, các quận, huyện của Thành phố; đại biểu Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô; 29 đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao; 8 tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế; cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước...

Đặc biệt, Hội nghị chào đón hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn Thành phố.

Thủ tướng tham dự hội nghị: Hà Nội 2020 - Hợp tác, đầu tư và phát triển.
Thủ tướng tham dự hội nghị: Hà Nội 2020 - Hợp tác, đầu tư và phát triển. Ảnh: TTBC

Hà Nội là tuyến đầu trong việc tiếp nhận làn sóng đầu tư mới

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Hà Nội trở thành một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới bước vào quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế, "đó là kỳ tích", ông Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Lộc, ấn tượng của ông ở hội nghị này không phải ở số lượng người tham gia mà là tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Với hội nghị này, cả nước đã về đây cùng với Hà Nội và thế giới cũng vậy. Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong việc tiếp nhận làn sóng đầu tư mới và lan tỏa cho cả nước.

Chủ tịch VCCI cho hay, ở hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, thành phố cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có, bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất.

Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTBC
Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTBC 

Tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở top dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngoài đóng góp vào kết quả chung trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Hà Nội cũng là điểm đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chọn cho việc tái khởi động nền kinh tế.

"Tôi rất ấn tượng khi Hà Nội đã mời gọi được đông đảo tất cả các thành phần kinh tế, kêu gọi toàn dân tập trung cùng thủ đô khai thác mọi nguồn lực. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao cũng như sự cầu thị, quyết tâm của thành phố", ông Cường nói.

Hà Nội đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho hay, qua hội nghị, thành phố tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020.

Ông Vương Đình Huệ. Ảnh: TTBC
Ông Vương Đình Huệ. Ảnh: TTBC 

Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỉ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

"Thu hút 24,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài" - đây là con số mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu ra. Theo ông Chung, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Năm 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 817 dự án trong nước, đạt 693,08 nghìn tỉ đồng; tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng, đóng góp khoảng trên 39% GRDP, giải quyết khoảng 83% tổng số lao động xã hội cho thành phố.

Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TTBC
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TTBC 

“Những kết quả đạt được của thành phố có dấu ấn và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt nhiều năm vừa qua. Sự đồng hành này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với thành phố”, ông Chung nhấn mạnh.