Không để điều tiết thị trường chỉ dừng lại ở cảnh báo, khuyến cáo

Nông sản đặc sản giảm giá “sốc”

Theo Bộ NNPTNT, ước tính giá trị xuất khẩu (XK) rau quả tháng 5 năm 2020 đạt 275 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1,5 tỉ USD, giảm 14,5% so với 5 tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân của sự giảm sút sản lượng rau quả XK bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến những thị trường lớn của Việt  Nam, trong đó có thị trường Trung Quốc - được coi là thị trường hàng đầu của Việt Nam với 60,8% thị phần.

Sự ngừng trệ giao thương của nhiều quốc gia trên thế giới do dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả, bao gồm cả các loại trái cây đặc sản như thanh long, chôm chôm, sầu riêng, chuối, mít, xoài... Giá các loại sầu riêng giảm còn 25.000-40.000 đồng/kg trong khi giá trước đây là 40.000-60.000 đồng/kg; giá chôm chôm giảm còn 6.000-10.000 đồng/kg; măng cụt: 15.000 đồng/kg; xoài các loại giảm còn từ 4.000-10.000 đồng/kg. Cá biệt thanh long, dưa hấu ở giai đoạn dịch COVID-19 (tháng 3-4.2020) giá chỉ còn từ 3.000-6.000 đồng/kg... Nguyên nhân của sự giảm giá “sốc” này - theo Bộ Công Thương, là do 80% thanh long trồng tại Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 99% thị phần thanh long nhập khẩu của quốc gia này. Ở giai đoạn COVID-19 đang ở đỉnh điểm, hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc gần như hoàn toàn tê liệt đã khiến thanh long, dưa hấu lâm vào tình cảnh phải “giải cứu”.

Không riêng gì các loại trái cây, các loại “cây tỉ đô” như hồ tiêu, điều, càphê cũng trong tình trạng trồi sụt giá thất thường, không ổn định, tăng ở tỉnh này nhưng giảm ở tỉnh kia khiến người trồng hồ tiêu như “ngồi trên đống lửa”.   

Vai trò điều tiết thị trường ở đâu?

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, để giá lợn, giá nông sản rẻ như bèo hoặc đắt như vàng ở mức vô lý như vậy, ngoài trách nhiệm quy hoạch sản xuất của Bộ NNPTNT còn do sự điều hành thương mại thiếu điều tiết của Bộ Công Thương.

Theo doanh nhân Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, Chủ tịch LP Group (Việt Nam - Australia - Du Bai), nhấn mạnh: Bởi vì nhà nước có cơ chế điều tiết trở lại thông qua vai trò của cơ quan quản lý. Nhưng ở Việt Nam lại thiếu cơ chế này. “Tính ra, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hay Bộ NNPTNT, thậm chí cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính đều chưa có đủ quyền hạn và năng lực để làm chuyện này. Bởi vì chúng ta đang thiếu thiết chế. Mà thiết chế là chính do một trong các cơ quan này xây nên, nhưng họ không làm” - Doanh nhân Nguyễn Liên Phương nói.

Doanh nhân Nguyễn Liên Phương dẫn chứng thêm: Ở các nước mà ông đã tham quan, giá thực phẩm thiết yếu đều được nhà nước điều tiết và có những chế tài đủ mạnh để buộc thực hiện. “Ví dụ ở Úc, 1 lít sữa giá chỉ 1,1 USD và ở bất cứ vùng nào cũng chỉ bán với giá đó. Ngay cả siêu thị đồng đúc ở phía tây cho đến vùng xa xôi hẻo lánh của nước Úc, nếu tính ra chi phí vận chuyển sẽ cực kỳ đắt, nhưng vẫn được bán với giá 1,1 đô Úc, bởi vì có sự điều tiết của nhà nước” - ông Phương dẫn chứng và cho rằng, câu chuyện giá thịt lợn “nhảy múa” do có sự “làm giá”, là do các thương lái và doanh nghiệp nắm được “điểm yếu” trong năng lực quản lý của cả Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, trong đó, vai trò của bộ phận quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) có vai trò cốt lõi. Trong công tác điều tiết thị trường, Bộ Công Thương đa phần mới chỉ dừng ở việc ban hành những văn bản cảnh báo, khuyến nghị, đề xuất, nhưng không có chế tài, không xây dựng chế tài.

Cần phải có chế tài như đối với xăng dầu. Nếu bán không đúng giá sẽ bị xử lý hoặc nếu găm hàng lại, báo hết hàng hay bán nhỏ giọt sẽ bị xử lý. Trong các ngành hàng thiết yếu, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cũng phải có chế tài tương tự. Nhưng hiện nay chế tài này chưa có. Không có thiết chế thì làm sao quản lý được. Việc bất lực của điều tiết thị trường cũng là do không đủ chế tài để xử lý” - Doanh nhân Nguyễn Liên Phương khẳng định.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, giá cả phản ánh quy luật cung - cầu của thị trường. Khi nguồn cung không thay đổi mà nhu cầu tăng đột biến sẽ dẫn đến việc giá cả tăng lên. Tuy nhiên, việc tăng giá gấp 4-5 lần bình thường là bất hợp lý, cần “bàn tay” điều tiết của các cơ quan chức năng để bình ổn giá, kéo giá giảm xuống ở mức hợp lý với người tiêu dùng.

“Cần có cơ quan điều tiết thị trường mang tính pháp lệnh thì mới tính toán được cụ thể tất cả các khâu trồng trọt chế biến, lưu thông phân phối đều phải ngồi lại với nhau để tính toán thống nhất. Hiện nay chúng ta chưa làm được điều này. Cả bộ công thương và bộ nông nghiệp cần phải phối hợp và phải phối hợp theo cơ chế nhịp nhàng đồng bộ và phải có chế tài để xử lý” - Doanh nhân Nguyễn Liên Phương nhấn mạnh.