Vai trò gây tranh cãi của 'Người tìm ra châu Mỹ'

Các học sinh được dạy rằng Christopher Columbus là người khám phá ra châu Mỹ, vượt qua Đại Tây Dương trên ba con thuyền Nina, Pinta và Santa Maria. Nhà thám hiểm người Italy thậm chí còn được tôn vinh vào mỗi tháng 10 trong Ngày Columbus, ngày lễ quốc gia mang tên ông.

Tuy nhiên, người đàn ông được ghi nhận đã phát hiện ra "Tân Thế giới" lâu nay lại là chủ đề gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ do cách ông đối xử với cộng đồng người da đỏ bản địa, cũng như vai trò trong quá trình chiếm đóng thuộc địa. Hàng chục thành phố và nhiều bang Mỹ, như Minnesota, Alaska, Vermont và Oregon, đã thay thế Ngày Columbus bằng Ngày của Người dân Bản địa.

Nhà thám hiểm người Italy Christopher Columbus. Ảnh: AP.

Giờ đây, trong bối cảnh các cuộc biểu tình sôi sục trên cả nước Mỹ vấn đề bất bình đẳng chủng tộc, xuất phát từ vụ người đàn ông da màu George Floyd bị cảnh sát ghì chết, người dân Mỹ bắt đầu phá hủy những bức tượng Columbus, nhằm gợi nhắc về những tội ác mà ông gây ra cho người bản địa.

"Chúng ta nên đặt câu hỏi tại sao những người Mỹ như chúng ta lại tiếp tục tôn vinh Columbus, mà không biết sự thật lịch sử về di sản của ông ấy, cũng như lý do ban đầu lập ra kỳ nghỉ đó", tiến sĩ Leo Killsback, trợ lý giáo sư tại Đại học Bang Arizona, cho biết.

Theo nhà sử học David Perry, rõ ràng những chuyến hải trình của Columbus "có tác động lịch sử không thể phủ nhận, mở ra kỷ nguyên vĩ đại của hoạt động khám phá Đại Tây Dương, thương mại, cuối cùng là chiếm đóng thuộc địa của người châu Âu".

Tuy nhiên, Columbus không phải người đầu tiên phát hiện ra "Tân Thế giới". Trước khi ông đặt chân đến châu Mỹ vào năm 1492, người da đỏ bản địa đã sống tại đây suốt nhiều thế kỷ. Người châu Âu đầu tiên tới lục địa Bắc Mỹ cũng được cho là không phải Columbus, mà là nhà thám hiểm người Na Uy Leif Eriksson, người đến trước Columbus 5 thế kỷ.

Trong hành trình qua các hòn đảo ở khu vực Caribe, cùng những bờ biển tại Trung và Nam Mỹ, Columbus gặp những người dân bản địa mà ông coi là "người Ấn Độ". Ông được cho là đã cùng đoàn tùy tùng bắt nhiều người bản địa làm nô lệ, đối xử vô cùng tàn bạo với họ, theo History, chuyên trang về lịch sử của Mỹ.

Trong suốt những năm có mặt tại châu Mỹ, Columbus đã buộc người bản địa lao động cật lực để kiếm lợi nhuận. Sau đó, ông bán hàng nghìn người Taino sang Tây Ban Nha và rất nhiều người đã chết trên đường. Những người bản địa không bị bắt làm nô lệ thì bị đưa đi đào vàng trong các mỏ và làm việc trong các đồn điền.

History cho biết trong thời gian giữ chức thống đốc tại khu vực giờ đây là Cộng hòa Dominica, Columbus đã giết nhiều người bản địa để đáp trả cuộc nổi dậy của họ. Nhằm đề phòng những cuộc nổi loạn trong tương lai, ông còn cho kéo lê thi thể nạn nhân trên đường phố để thị uy.

Tượng Columbus tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, bị mất đầu hôm 10/6. Ảnh: Reuters.

Tượng Columbus tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, bị mất đầu hôm 10/6. Ảnh: Reuters.

Nhà sử học Perry cho biết các cộng đồng bản địa ở châu Mỹ còn "bị suy tàn do phơi nhiễm với những dịch bệnh của Cựu Thế giới, rồi sụp đổ trước sự càn quét của dịch bệnh".

Người Taino chưa từng tiếp xúc và không có khả năng miễn dịch với đậu mùa, sởi và cúm, những căn bệnh mà Columbus cùng đoàn người của ông đưa đến đảo Hispaniola. Theo Tổ chức Nghiên cứu Y học Oklahoma (OMRF), ước tính có 250.000 người bản địa sinh sống tại Hispaniola vào năm 1492. Tuy nhiên, tới năm 1517, con số này chỉ còn 14.000.

Một số nhà sử học tin rằng những căn bệnh mà người châu Âu và châu Phi mang tới "Tân Thế giới" có thể đã giết chết tới 90% dân số bản địa, tỷ lệ chết chóc cao hơn cả "Cái chết Đen", tức bệnh dịch hạch, hoành hành ở châu Âu thời trung cổ, OMRF cho hay.

Hôm 10/6, cảnh sát thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, phải phong tỏa khu vực xung quanh bức tượng Columbus trên đại lộ Atlantic, khi phần đầu của nó bị tháo rời trong đêm và vứt trên mặt đất gần đó. Đây không phải lần đầu bức tượng bị phá hoại. Năm 2015, dòng chữ "Mạng sống người da màu quan trọng" phun bằng sơn đỏ cũng xuất hiện trên bức tượng.

Theo Ánh Ngọc(Vnexpress)

https://vnexpress.net/vai-tro-gay-tranh-cai-cua-nguoi-tim-ra-chau-my-4114927.html