GS Võ Tòng Xuân: Xử lý nghiêm doanh nghiệp từ chối hợp đồng bán gạo dự trữ

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đấu thầu và trúng được 178.000/190.000 tấn gạo mua dự trữ năm 2020.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, rất nhiều doanh nghiệp đã được Tổng cục Dự trữ phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu lập tức có văn bản từ chối ký hợp đồng. Đáng chú ý, trong số này có cả Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1).

Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc nhiều doanh nghiệp trúng thầu, nhưng bỏ ngang, không ký kết hợp đồng giao bán gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia về lúa gạo Việt Nam cho biết, đó là hiện tượng "găm hàng" do các doanh nghiệp thu mua gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thương lái thu mua thóc của dân. Để giải quyết việc này, cần công khai mức giá và đấu giá mua gạo để thương lái yên tâm bán gạo cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ảnh: Hải Nguyễn 

"Nếu hợp đồng giữa Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp gạo dự trữ đã được ký kết thì mọi việc có thể dễ dàng phân xử bởi về nguyên tắc, đã ký hợp đồng là phải thực hiện, nếu phá vỡ thì cứ căn theo hợp đồng, theo luật để xử lý và phải xử lý nghiêm", giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay.

Tuy nhiên, giáo sư Võ Tòng Xuân lưu ý phải xem kỹ lại hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nếu doanh nghiệp ký thẳng với đơn vị này thì giá bao nhiêu cũng phải bán theo giá đã ký lúc trước.

Theo chuyên gia này, một trong những loại gạo mà doanh nghiệp bán cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước là gạo 544, gạo này không ngon, không được ưa chuộng ở Việt Nam cho nên giá rất rẻ, tuy nhiên, ở Australia và Nhật Bản mua gạo này nhiều lắm, họ mua về nghiền bột để làm bánh.

Khi giá gạo bên phía đối tác lên cao, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng muốn đẩy mạnh kênh xuất khẩu, tuy nhiên là dân kinh doanh phải hiểu một nguyên tắc đã ký trước với Tổng cục Dự trữ Nhà nước rồi thì buộc phải thực hiện, không thể bỏ ngang để chạy theo xuất khẩu được.

Hải quan nêu tên 4 doanh nghiệp "bùng" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ để đi xuất khẩu

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục dự trữ Nhà nước, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, họ không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo. Thống kê có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020.

Điển hình như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Công ty Cổ phần Vĩnh Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Như vậy, các doanh nghiệp này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia. Hải quan cho rằng, hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia.