Thách thức lớn với các Công ty tài chính khi nền kinh tế tổn thương

Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cho biết đang xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm của 3 công ty tài chính Việt Nam và 2 ngân hàng mẹ sở hữu công ty tài chính này, trong đó bao gồm “cặp đôi” VPBank và FE Credit, SHB và SHB Finance.

Theo báo cáo của Moody’s, sự lan rộng nhanh chóng và bùng phát của dịch COVID-19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu, cùng với việc giá dầu và giá trị tài sản giảm đã tạo nên cú "sốc" tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực và khu vực. Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước cú sốc này do rủi ro từ người vay. Việc Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm 3 công ty tài chính và ngân hàng mẹ sở hữu các công ty này phản ánh sự suy giảm chất lượng tín dụng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của FE Credit, Home Credit và SHB Finance của Moody's phản ánh quan điểm cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính do những rủi ro từ phía người vay.  FE Credit, Home Credit và SHB Finance là những công ty tài chính tiêu dùng chiếm thị phần lớn tại Việt Nam nhắm vào các sản phẩm cho vay không tài sản đảm bảo và tập trung ở phân khúc người có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế.

Ngoài ra, việc Moody’s xem xét hạ bậc xếp hạng của VPBank là do các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất, nhưng FE Credit đóng góp tới 43% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank. Bất kỳ sự suy yếu nào từ FE Credit đều có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank. Rõ ràng, các khoản vay này mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhưng hẳn nhiên cũng là những khoản nợ xấu vô cùng khó chịu trong tương lai. Kịch bản xấu cũng được VPBank tính toán, đó là tình huống dịch bệnh kéo dài sang quí III hoặc muộn hơn và kinh tế tiếp tục đình trệ. 

Theo nhận định của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán (CTCK) VCSC, tổng dư nợ cho mảng tài chính tiêu dùng theo những số liệu cập nhất mới nhất được công bố vào khoản 130 nghìn tỉ đồng với sự chiếm lĩnh hơn 50% thị phần tới từ FECredit. Dù báo cáo phân khúc cụ thể về tỷ trọng cho vay không được công bố rộng rãi, theo quan sát, tỉ trọng cho vay tiền mặt và thiết bị điện điện tử vẫn chiếm cao nhất. Về ngành nghề người đi vay cũng không được thống kê cụ thể, tuy nhiên khảo sát số liệu mới nhất hầu hết tập trung vào lao động tự do với thu nhập trung bình trên 5 triệu đồng/tháng. 

“Từ những dữ liệu này cho thấy mảng nợ xấu chắc chắn sẽ gia tăng dưới ảnh hưởng của đại dịch vì thu nhập phần lớn lực lượng lao động sẽ giảm”, ông Phương nêu quan điểm. Tuy nhiên, theo ông Phương, áp lực nợ xấu lên nhóm công ty tài chính tiêu dùng này sẽ không lớn vì họ luôn có những kịch bản xấu nhất cho hệ thống về lượng nợ xấu bùng phát ở mức nào và sức chịu đựng của họ là bao nhiêu. Điều này phụ thuộc rất lớn vào hệ thống quản trị rủi ro của từng đơn vị.