Việt Nam và Bangladesh hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch lên 1 tỷ USD

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Dịch vụ Tài chính thương mại quốc tế, logistics và dịch vụ phát triển kinh doanh”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Quốc tế Bangladesh (ICC) phối hợp tổ chức, ngày 21/4.

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, đặc điểm quan trọng của thời đại công nghiệp hóa hôm nay là các hệ thống kinh doanh đang được hình thành trong bối cảnh phân công lao động rất chi tiết và biến đối nghiêm trọng trên toàn cầu, mà thường gọi là các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc tham gia của các quốc gia và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò to lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tăng cường sự tham gia của mình trong chuỗi giá trị ấy. Một trong những chủ đề xuyên xuốt được xác định là phải phát triển các dịch vụ thương mại tài chính quốc tế. Những định hướng này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng dịch chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang các nước trên thế giới, tiết kiệm chi phí và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thời gian giao hàng.

“Việt Nam hiện xếp hạng cao nhất trong số các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, tuy nhiên con số này vẫn thấp khi so sánh với các nước có mức thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Bên cạnh đó, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại chưa được triển khai thiết thực, dẫn đến hạn chế nguy cơ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN và các nước chưa được thuận lợi”, ông Phòng cho biết.

Chia sẻ thông tin tại cuộc hội thảo này, ông Nguyễn Thanh Tân, Vụ trưởng Vụ Đông Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, Bộ ngoại giao cho rằng, Bangladesh là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như thực phẩm, xi măng và Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác với Bang ladesh, tuy nhiên khung thương mại và các hoạt động cũng cần phải cải thiện hơn nữa để bắt kịp với nhu cầu hợp tác giữa hai quốc gia.

“Với tư tưởng này chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai quốc gia như là tham gia vào các Ủy ban cấp Bộ trưởng để có thể hợp tác, chúng tôi mong muốn hội đồng kinh doanh Bangladesh sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận hợp tác năng động hơn”, ông cho biết.

Ông khẳng định Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt có đường biển chính là lợi thế cho thương mại hàng hải và logistics, điều này sẽ mở ra cánh cửa hợp tác mới, tiến tới mục tiêu đạt giá trị kim ngạch 1 tỷ USD vào năm 2016.

Có nhiều quan điểm chung về thương mại, về phía Bangladesh ông Mohammad Shahab Ullah, Đại sứ Banglades tại Việt Nam cho biết: Hiện thương mại hai chiểu giữa hai nước đang có xu hướng bị giảm đi, con số này vào năm 2014 là 758 triệu USD nhưng năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn hơn 600 triệu USD.

Tuy nhiên, vị Đại sứ Banglades khẳng định: “Mặc dù thương mại có giảm song hai nước còn có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan mệ thương mại. Tôi rất mong muốn VCCI cử đoàn đại biểu đến Bangladesh để có thể khám phá ra cơ hội mà Bangladesh mang lại cho Việt Nam, mở ra cánh cửa mới trong lĩnh vực tài chính thương mại. Tôi cũng hy vọng hai bên sẽ có những thủ tục ngân hàng đơn giản, dễ dàng hơn tạo thuận lợi thương mại giữa hai nước”.

Về phía ICC, ông Mahbuhur Rahman - Chủ tịch ICC khẳng định, Bangladesh luôn mong muốn tăng kim ngạch xuât nhập khẩu và hợp tác với Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa và tăng tỷ trọng con số về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, dù còn nhiều vấn đề khác biệt trong lĩnh ngân hàng, xuất nhập khẩu… nhưng chúng tôi rất hân hạnh muốn hợp tác với Việt Nam để cùng bàn thảo, đặc biệt là trong giao dịch thương mại, hy vọng tương lai những vấn đề còn khác nhau đó sẽ giảm xuống, tạo tiền đề cho thương mại giữa hai quốc gia cùng tăng trưởng”, Chủ tịch ICC cho biết./.

Hoàng Đăng