Phán quyết 'cứu' Argentina thoát khỏi 15 năm vỡ nợ

Phán quyết giúp Argentina thoát khỏi 15 năm trong đêm đen vỡ nợ
Một người phụ nữ đi qua bức tranh phun Graffiti với chữ “BUITRES” (kền kền) ám chỉ cuộc chiến của Chính phủ với quỹ kền kền của Mỹ. - Ảnh AP

Hôm qua, 13/4, Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ đã giữ nguyên quyết định trước đó cho phép Argentina phát hành trái phiếu và thanh toán cho các chủ nợ các khoản nợ kể từ khi quốc gia này vỡ nợ vào năm 2001.

Quyết định này là một thắng lợi lớn cho Argentina sau một quá trình dài chiến đấu pháp lý với các quỹ đầu cơ của Mỹ - được biết đến như là các quỹ “kền kền” ở Châu Mỹ Latin.

Trong tuần này, Argentina sẽ có những sự chuẩn bị để thu hút các nhà đầu tư ở London, New York và những nơi khác tại Mỹ với mục tiêu phát hành 15 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Giá trị phát hành trái phiếu đợt này của Argentina chỉ đứng sau kỷ lục 16 tỷ USD Mexico trong năm 1996.

Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu vẫn sẽ là yếu tố quyết định để thu hút nhà đầu tư. Lợi tức trái phiếu được kỳ vọng trong mức 7% đến 9%. Argentina có thể bắt đầu bán trái phiếu đầu tuần tới, Bộ trưởng Tài chính Argentina cho biết đầu tuần này.

Argentina cho biết quốc gia này cần ít nhất 12,5 tỷ USD, đủ để trả hết nợ và có một khoản dư để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng cấp thiết.

Vào tháng 2 vừa qua, Argentina cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với các quỹ đầu cơ mà đứng đầu là tỷ phú Paul Singer trong việc thanh toán 4,65 tỷ USD. Kể từ đó, Argentina đã dần dần đạt được thỏa thuận thanh toán nợ hàng tỷ USD với các chủ nợ khác.

Argentina là nền kinh tế lớn thứ 2 ở Nam Mỹ, đứng sau Brazil. Quốc gia này rơi vào tình trạng vỡ nợ năm 2001 sau khi không thể thanh toán được khoản nợ 95 tỷ USD, đạt mức kỷ lục vào thời điểm đó. Cố Tổng thống dân túy của Argentina Nestor Kirchner và vợ ông Cristina Fernandez de Kirchner lãnh đạo Argentina từ năm 2003 đến năm 2015 đã từ chối thanh toán các khoản nợ để thể hiện lòng yêu nước.

Quyết định đó đã làm cho Argentina bị cô lập khỏi thị trường vốn quốc tế kể từ năm 2001, đẩy nền kinh tế vào trì trệ trong suốt 4 năm qua./.

Theo Mai Linh (Thời báo tài chính Việt nam)