VCCI Đà Nẵng hiến kế giúp doanh nghiệp vượt “bão SARS-CoV-2"

Nhận định về diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh SARS-CoV-2 đến kinh tế - xã hội, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Riêng với TP Đà Nẵng, do lượng khách quốc tế từ Hàn Quốc và Trung Quốc năm 2019 chiếm tỷ trọng gần 70% tổng lượt khách quốc tế của Đà Nẵng. Hai quốc gia này đang là hai quốc gia có số người mắc bệnh cao nhất thế giới nên theo ông Quang, tình hình dịch bệnh không những tác động đến nguồn khách quốc tế mà còn ảnh hưởng đến cả đến nguồn khách nội địa đến Đà Nẵng từ đầu năm đến nay khiến cả khách quốc tế và nội địa suy giảm. Thương mại dịch vụ là ngành chịu tác động mạnh nhất do tác động kép từ dịch bệnh và tác động không mong muốn từ Nghị định 100.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Đó là đối với du lịch, còn trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, theo ông Nguyễn Tiến Quang thì do ba ngành: dệt may, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là những ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của Thành phố trong khi đầu vào nguyên liệu cho các ngành này nhập không ít từ Trung Quốc, do đó nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt trong quý II, một số DN các ngành công nghiệp của Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong lĩnh vực xây dựng, một số DN thông tin việc máy móc, thiết bị linh kiện từ Trung Quốc không nhập được khiến công trình triển khai không đúng tiến độ...

“Trong trường hợp các DN nhập khẩu được nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc tìm được nguồn cung mới thì giá nguyên liệu sẽ cao hơn so với trước đây, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng thì trước tình hình diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, một số DN trong nước gặp khó khăn kép, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm. Điều này có thể khiến DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, ngừng sản xuất và rút lui khỏi thị trường… Do đó, doanh nghiệp cần xem xét các giải pháp huy động thêm nguồn tài chính từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của DN nhằm huy động vốn phi tín dụng ngân hàng: cổ phần, phát hành trái phiếu, góp vốn kinh doanh, kêu gọi nhà đầu tư đối tác mới có năng lực, thực hiện M&A, huy động vốn từ các kênh người thân, người lao động, cơ cấu lại tài sản…

Cùng với đó, doanh nghiệp nên cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng cần phải có chính sách giữ lao động giỏi, lao động có chuyên môn cao trong lúc khó khăn và chuẩn bị các yếu tố cần thiết để phục hồi, phát triển hậu tác động của dịch bệnh. Đồng thời, vận dụng tốt nhất các quy định trong Luật Lao động, các chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp DN gặp khó khăn, phải dừng/thu hẹp sản xuất để giải quyết  quyền lợi của người lao động đúng pháp luật và phù hợp với tình hình của DN.

trong tình hình hiện nay, DN nên tìm giải pháp cắt giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tránh dàn trải.
Trong tình hình hiện nay, DN nên tìm giải pháp cắt giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tránh dàn trải.

Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm các thông tin về khách hàng mới, thị trường mới, nguồn cung cấp mới để đa dạng hóa thị trường, khách hàng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Có thể tìm khách hàng, thị trường, nguồn cung mới ngay tại thị trường trong nước. Song song với việc chủ động trong liên kết hợp tác với các DN cùng ngành nghề, khác ngành nghề nhưng có mối quan hệ tương hỗ để thực hiện các chính sách kích cầu, giảm chi phí, chia sẻ các yếu tố đầu vào cho sản xuất trong điều kiện gặp khó khăn về chuỗi cung ứng, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng.  

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Quang, thì doanh nghiệp nên mạnh dạn đề xuất và tham gia tích cực các chính sách hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức trong hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh; Giữ liên hệ, hợp tác với các cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ, tư vấn cho DN khi có nhu cầu; Cũng như chủ động tìm hiểu các FTAs để định hướng sản xuất kinh doanh nhằm khai thác các lợi thế do các FTAs mang lại.

Về phía VCCI Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang khẳng định trong tình hình SARS-CoV-2 trên thực tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các doanh  nghiệp xuất khẩu mà nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ thị trường Trung Quốc. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho khách hàng dẫn đến vi phạm các hợp đồng đã ký.

“Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có nhiệm vụ “Cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo ủy quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xác nhận các trường hợp bất khả kháng và chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết khác trong hoạt động thương mại theo yêu cầu tự nguyện của các bên trong giao dịch hoặc theo yêu cầu, ủy quyền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trong và ngoài nước” nên nếu trong trường hợp các DN có nhu cầu xác nhận tình hình SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh để cung cấp hoặc trao đổi, thương lượng với đối tác, có thể liên hệ với VCCI để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục”, ông Quang khẳng định

Cùng với đó, VCCI Đà Nẵng cũng hỗ trợ, tư vấn cho DN về các thị trường, mặt hàng, quy tắc xuất xứ từ các FTAs giữa Việt Nam và các nước, giúp DN trong việc nghiên cứu tìm hiểu thị trường mới, khách hàng mới tái cơ cấu đầu vào, đa dạng hóa; Thực hiện nhanh nhất thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các chứng từ thương mại khác do VCCI cấp.

Ngoài ra, VCCI cũng sẽ triển khai chương trình phổ biến các FTAs và tư vấn cho các DN tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết, có hiệu lực và sắp có hiệu lực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ để tận dụng việc cắt giảm thuế quan từ các cam kết của FTAs và khai thác được các lợi thế của các FTAs trên thực tế và hỗ trợ DN tiềm nguồn cung mới từ  các thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ có FTAs với Việt Nam để dần thay thế, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, VCCI Đà Nẵng sẽ phối hợp với các cơ quan của Thành phố triển khai chương trình hỗ trợ các DN mới thành lập trong am hiểu, tuân thủ pháp luật và tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN, nâng cao năng lực quản trị… nhằm giảm tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường, gia tăng tỷ lệ tồn tại, phát triển của nhóm đối tượng DN này; Phối hợp với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng nhằm nắm tình hình hoạt động của DN tại Trung Quốc để cung cấp cho các DN khi có nhu cầu. Phối hợp với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc trong việc tìm kiếm khách hàng mới, nguồn cung mới thay thế tại Trung Quốc khi có yêu cầu của DN; Làm việc với các cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại đầu tư các nước tại Đà Nẵng: Tổng Lãnh sự quán Nga, Tổng Lãnh sự Quán Lào, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, Kotra Đà Nẵng để triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối thị trường cho DN; Làm cầu nối giữa DN với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, tham tán thương mại các nước tại Việt Nam để các nước để tìm kiếm thông tin về thị trường và nguồn nguyên liệu, kết nối kinh doanh cho các DN;…

Theo Tuấn Vỹ(Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp)
https://enternews.vn/vcci-da-nang-hien-ke-giup-doanh-nghiep-vuot-bao-covid-19-167252.html