Quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong CAND

 

 
 

Các quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường

Dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể các quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính trong Công an nhân dân như sau:

- Tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường; cử người giải quyết bồi thường và tạm ứng kinh phí bồi thường;

- Xác minh thiệt hại và thương lượng;

- Phục hồi danh dự;

- Lập dự toán, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường;

- Hoàn trả kinh phí bồi thường;

- Quản lý công tác bồi thường Nhà nước.

Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường

Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Cán bộ được cử giải quyết bồi thường phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường và không có quyền, lợi ích liên quan đến việc giải quyết bồi thường, không là người thân thích theo quy định của Bộ luật Dân sự của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.

Người giải quyết bồi thường có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ yêu cầu bồi thường, xây dựng kế hoạch xác minh, đề xuất và báo cáo bằng văn bản các loại thiệt hại cần phải xác minh, giám định thiệt hại và định giá tài sản; kinh phí xác minh, giám định thiệt hại và định giá tài sản; thành phần tham gia việc xác minh thiệt hại; việc lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan về thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại (nếu có).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Quy-trinh-giai-quyet-yeu-cau-boi-thuong-cua-Nha-nuoc-trong-CAND/388077.vgp