Đề xuất thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại

 

 
 Ảnh minh họa

Điều 75 Bộ luật dân sự quy định về pháp nhân thương mại như sau:

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, bao gồm hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra; việc chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Pháp nhân thương mại khi có kế hoạch tổ chức lại phải có văn bản báo cáo cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại về việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong khi tổ chức lại để giải quyết về thủ tục thi hành án. Báo cáo phải nêu rõ tình hình, kết quả chấp hành án; phương hướng, trách nhiệm thi hành án của pháp nhân thương mại sau khi tổ chức lại.

Cụ thể, nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại được chia, tách như sau: a- Trường hợp nội dung, lĩnh vực phải thi hành án được giao toàn bộ cho một pháp nhân thương mại mới thì pháp nhân thương mại mới đó chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thi hành án; b- Trường hợp nội dung, lĩnh vực thi hành án được giao cho các pháp nhân thương mại mới khác nhau thì các pháp nhân thương mại mới thực hiện theo nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao.

Pháp nhân thương mại tiếp nhận pháp nhân thương mại đang chấp hành án khi hợp nhất, sáp nhập có trách nhiệm tiếp nhận nghĩa vụ thi hành án của pháp nhân thương mại được hợp nhất, sáp nhập.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp như sau:

1. Trường hợp pháp nhân thương mại chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì không làm thay đổi nghĩa vụ thi hành án.

2. Pháp nhân thương mại, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm báo cáo cơ quan thi hành án hình sự để tiếp tục tổ chức thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

3. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tiếp tục thực hiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định này.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Báo Chính phủ

http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-thu-tuc-thi-hanh-an-doi-voi-phap-nhan-thuong-mai/387922.vgp