VCCI với hành trình một năm vì doanh nghiệp

 DDDN xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật của VCCI trong năm 2019.

Bảo vệ xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị của Đảng về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Đề tài “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, do TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, làm chủ nhiệm và Viện Phát triển doanh nghiệp là đơn vị chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia xếp loại xuất sắc.

Đề tài đã đưa ra nhiều kết quả mới có ý nghĩa quan trọng như: Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; Phát động phong trào năng suất quốc gia; Thúc đẩy liên kết và phát triển cân bằng vùng miền,... Kết quả của đề tài đã đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và ứng dụng vào các hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và VCCI. Đây là lần đầu tiên VCCI tham gia vào Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Quốc gia về lý luận chính trị do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.

Phát động phong trào doanh nghiệp doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế

Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" do Ban Kinh tế Trung ương và VCCI phát động, đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân cả nước. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, không ai hiểu thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bằng doanh nghiệp. Do đó, việc góp ý, hiến kế của doanh nghiệp cần được đón nhận. VCCI sẽ tập hợp kiến nghị trên cả nước để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc chính sách theo hướng minh bạch, nhất quán.

Diễn đàn “Doanh nhân Việt Nam- Tổ quốc gọi tên mình” và trao cúp Thánh Gióng 2019

VCCI đã trao Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Thánh Gióng” cho 100 doanh nhân tiêu biểu năm 2019. Đây là hình thức khen thưởng, tôn vinh các doanh nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng doanh nhân và nền kinh tế đất nước; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong quá trình hội nhập, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia xây dựng Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

VCCI đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) và được Quốc hội thông qua sáng 20/11/2019, gồm 17 chương, 220 điều. Trong đó có 16 điểm mới đối với người lao động và người sử dụng lao động với nhiều nội dung quan trọng như quy định giờ làm bình thường mức 48 giờ/tuần, trần giờ làm thêm mức 300 giờ/năm với những ngành nghề đặc biệt, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nam 62 và nữ 60 tuổi cũng như quy định về tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động... đảm bảo hài hoà lợi ích. Đặc biệt, đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng là đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Tham gia Ban Lãnh đạo WCF

Năm 2019, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã được cộng đồng kinh doanh thế giới tín nhiệm lựa chọn cùng với 11 nhà lãnh đạo tiêu biểu trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của hơn 100 phòng thương mại quốc gia trên thế giới để tham gia Ban Lãnh đạo Đại Hội đồng Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới của Phòng Thương mại quốc tế (World Chamber Federation - WCF).

Việc Chủ tịch VCCI tham gia vào mạng lưới WCF sẽ góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, nhận diện được các cơ hội và thách thức của tiến trình toàn cầu hóa, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi hơn.

Phát động phong trào năng suất lao động quốc gia

Tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào "Năng suất lao động quốc gia”.

Phong trào năng suất quốc gia sẽ tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp, các tổ chức thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý… VCCI xây dựng các chương trình nhằm tuyên truyền và thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức về phong trào năng suất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động áp dụng các phương pháp cải tiến năng suất, nâng cấp quản trị và trình độ công nghệ, đặc biệt là thực hiện quá trình chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh...

Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018

VCCI đã phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố báo cáo đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018). PCI 2018 được xây dựng dựa trên kết quả điều tra gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Đây là năm thứ 14 liên tiếp VCCI và USAID công bố bộ chỉ số này. PCI được xây dựng nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Festival Khởi nghiệp 2019

VCCI phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước tổ chức Festival Khởi nghiệp 2019 và giao cho Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Chương trình đã góp phần hướng tới phục vụ xã hội, giải quyết những bài toán về con người và sự phát triển bền vững.

Festival Khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ và sinh viên cả nước lập ra những dự án khởi nghiệp có giá trị thực tiễn, nêu cao tinh thần nghiệp chủ trong thanh niên, sinh viên, phát huy vai trò xung kích của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019

Năm 2019, VCCI- VBCSD tiếp tục được Chính phủ, Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh giao trách nhiệm tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019. Đây cũng là năm bản lề cho thập niên 2020- 2030. Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 đã tập trung vào các nội dung: Nhân rộng ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; Thúc đẩy mô hình đối tác công tư giúp tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn; Xây dựng nguồn nhân lực trong thời đại mới và vai trò của Chỉ số Vốn con người.

Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019

Loạt báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh là sáng kiến của VCCI, nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong 6 tháng hoặc một năm, sáng kiến này được bắt đầu từ đầu năm 2018. Tại Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019, VCCI đã chỉ ra 25 điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Năm 2019 được đánh giá là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 Thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500- 800 Thông tư của các năm trước đó; đối với Nghị định, cũng mới chỉ có 91 Nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 Nghị định của cùng kỳ năm 2018, và mức 125 Nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.

Theo Trang Anh(Báo Diễn Đàn doanh nghiệp)
https://enternews.vn/hanh-trinh-mot-nam-vi-doanh-nghiep-165143.html