Không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng quốc tế Tân Sơn Nhất để làm rõ nguồn vốn đầu tư.

khong su dung von ngan sach de dau tu xay dung nha ga t3 tan son nhat hinh anh 1

Cụ thể, sau khi xem xét những đề xuất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án và đề nghị không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án này.

 

Đây là dự án xây dựng nhà ga hành khách (quốc nội) T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ phục vụ khai thác nội địa, vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV. Tiến độ xây dựng dự án 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến tiến độ 37 tháng là khó khả thi vì đự án phải thực hiện các công việc: thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…

Trước đó, trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất để nâng công suất sân bay này lên 50 triệu khách/năm. Kiến nghị này được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch - đầu tư hoàn thành thẩm định chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở ý kiến của nhiều bộ, ngành và UBND TP.HCM, giải trình, bổ sung của ACV.

Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án nhà ga T3 sau khi thực hiện rà soát là 10.990 tỉ đồng (giảm 440 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu) và được huy động từ vốn góp của ACV.

Trong đề án định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng Cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất chỉ xã hội hoá đầu tư tại các Cảng hàng không nhỏ, sản lượng khai thác và hiệu quả sản xuất kinh doanh có khả năng thu hồi vốn chậm. Trong khi những Cảng hàng không sinh lợi nhuận cao lại "bật đèn xanh" giao cho ACV quản lý, khai thác “độc quyền” đang gây ra nhiều cãi.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) độc quyền 22 Cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng nhỏ lẻ gồm: Sân bay Sa Pa; Sân bay Lai Châu; Sân bay Quảng Trị. Việc phát triển hạ tầng sân bay dựa vào chỉ một doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không - ACV có khả thi?

Sau đó, Bộ Tư Pháp đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) đề làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chie thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

Đối với việc Bộ GTVT đề nghị giao cho ACV chủ trì thực hiện, trên cơ sở kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay, được Bộ GTVT phê duyệt và quy trình lựa chọn nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền ban hành, Bộ Tư Pháp “tuýt còi” và đề nghị xem xét lại kiến nghị này.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp còn đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý của kiến nghị này vì ACV là một Công ty Cổ phần, không phải là cơ quan Nhà nước để thay mặt Nhà nước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/khong-su-dung-von-ngan-sach-de-dau-tu-xay-dung-nha-ga-t3-tan-son-nhat-77771049805.htm