Không thành nước công nghiệp, Việt Nam còn tụt hậu 20 năm so với Trung Quốc

khong thanh nuoc cong nghiep, viet nam con tut hau 20 nam so voi trung quoc hinh anh 1

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam so với Hàn Quốc, Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Còn nhớ, trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thừa nhận, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 được đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.

Tới cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra Tầm nhìn Việt Nam năm 2030 sẽ là hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng, GDP bình quân đầu người đạt ít nhất 18.000 USD. Về Tầm nhìn 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao.

 

Song nếu muốn “hoá rồng, hoá hổ”, bản thân nền kinh tế Việt Nam vừa phải tăng trưởng nhanh, bền vững và quan trọng hơn, phải tự thay đổi chính mình thông qua nâng cao trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong dòng chảy kinh tế thế giới?

Năm 2019 tiếp tục ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Trong bối cảnh kinh tế thế giới thể hiện xu hướng tăng trưởng chậm lại, tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực, thuận lợi hơn, thể hiện qua việc đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cán đích sớm giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại đòi hỏi Chính phủ và các địa phương sớm cần khắc phục. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, còn nỗi lo tụt hậu so với thế giới đang dần hiện hữu.

khong thanh nuoc cong nghiep, viet nam con tut hau 20 nam so voi trung quoc hinh anh 3

ĐBQH Hoàng Quang Hàm.

Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm là nhanh, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực và thế giới. Song theo ĐBQH Hoàng Quang Hàm, nếu tính toán dựa trên con số tuyệt đối, GDP bình quân đầu người của thế giới đang ngày càng bỏ xa Việt Nam.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm đưa ra so sánh: “Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Năm 2017, GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD. Năm 2018, GDP bình quân đầu người Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD”.

khong thanh nuoc cong nghiep, viet nam con tut hau 20 nam so voi trung quoc hinh anh 4

GS. TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Nhìn nhận một cách khách quan, đánh giá của ông Hoàng Quang Hàm dù có phần vĩ mô, song vẫn là một cảnh báo đầy trăn trở và nghiêm túc. Nó khá tương đồng với những ý kiến của GS. TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

"Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, trong bối cảnh hiện nay thành tựu của Việt Nam không ai có thể phủ nhận, nhưng so với khát vọng của người Việt Nam thì vẫn còn có dư địa tăng trưởng cao hơn. Hiện nay Việt Nam mới tăng trưởng trung bình khoảng 6,8%, nếu muốn tăng trưởng từ 7 - 8% trong những năm tới thì cá nhân tôi nhận thấy dư địa còn rất nhiều. Vì chúng ta chưa bao giờ có giai đoạn tăng trưởng cao 7 – 8% trong nhiều năm, trong khi đó nhiều nước đã đạt được mức này", GS. TS Trần Thọ Đạt nhìn nhận. 

“Mục tiêu Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước có thu nhập cao nên phải có sự so sánh. Nghiên cứu của chúng tôi so sánh chủ yếu với 3 nước. Thứ nhất, với Hàn Quốc, đây là một trong những nước có sự thay đổi thần kỳ về kinh tế trong 40 năm qua. Thứ hai, mô hình phát triển hài hòa của Malaysia. Thứ ba, sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhìn chung, so sánh giữa hai nước Hàn Quốc và Malaysia, Việt Nam đang tụt hậu khoảng 30 – 35 năm, với Trung Quốc chúng ta tụt hậu khoảng 20 năm”, GS. TS Trần Thọ Đạt cho biết.

Trong khi đó, một nghiên cứu của GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng đưa ra những số liệu cụ thể, chứng minh kết quả tăng trưởng của Việt Nam từ sau Đổi mới tới nay thấp hơn nhiều so với các nước khác trong cùng thời kỳ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Nếu xét trong 30 năm, từ 1991 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7,14%. Con số này thua xa Hàn Quốc, trong giai đoạn từ 1961 - 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%/năm. Còn Nhật Bản trong giai đoạn từ 1955 - 1973, ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9,4%/năm.

Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam cũng thể hiện tính lạc hậu công nghệ khi dóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 26,1% trong giai đoạn 2011 – 2018.  Tỷ lệ này ở các nước đang phát triển mức trung bình đạt được là gần 40%.

Làm gì để kinh tế Việt Nam “hoá rồng, hoá hổ”?

Nhìn lại những thành tựu đạt được sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào nhóm đầu của khu vực và thế giới. Song thực tế đó là những bước ngắn nên vẫn tồn tại khoảng cách khá xa giữa kinh tế Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù bước chậm nhưng đi được những bước dài hơn.

Hơn 30 năm cũng là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, "hóa rồng, hóa hổ", còn kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

khong thanh nuoc cong nghiep, viet nam con tut hau 20 nam so voi trung quoc hinh anh 5

Tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thể hiện xu hướng chậm lại.

Vấn đề này đã được Đảng chỉ ra trong các văn kiện từ nhiều năm trước nhưng tới nay vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi.

Thêm vào đó, trong điều kiện thế giới và khu vực nhiều biến động khó lường, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay lại trong quan hệ đa phương, song phương. Còn các quốc gia đều tính toán kỹ để đảm bảo lợi ích của quốc gia mình. Vậy nên, mục tiêu tận dụng sự chia sẻ công nghệ cốt lõi, thành tựu khoa học vượt trội của các nước để đi tắt, đột phá, vươn nhanh của Việt Nam dự kiến sẽ đối mặt với khó khăn. Việc bứt phá về tăng trưởng, bứt phá về gia công lắp ráp vì vậy cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm đã chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

“Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được, cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu", ĐBQH Hoàng Quang Hàm phân tích.

Theo đại biểu Hàm, muốn vậy cần phải có kênh nguồn vốn chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro. Vì theo thống kê, chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công, còn 94% là thất bại. Nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn.

"Ba vấn đề không mới đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện. Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ”, ông Hàm cho biết.

Ngoài ra, ĐBQH Hoàng Quang Hàm đề xuất, khi thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng. Cần có chỉ tiêu cụ thể về đời sống của nhân dân.

Ông Hàm nói: “Hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP. Xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu, phần hưởng lợi đó được tính trong tổng GDP của Việt Nam nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Đây không phải là bất cập, đất nước đi lên từ gian khó, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, việc thu hút FDI một cách chọn lọc và cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp. Vì vậy, ngoài việc giao chỉ tiêu GDP tổng sản phẩm nội địa như trước đây, Quốc hội cần giao thêm chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế và thu nhập của người dân”.

khong thanh nuoc cong nghiep, viet nam con tut hau 20 nam so voi trung quoc hinh anh 6

PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PGS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định kết quả tăng trưởng trong thời gian vừa qua vẫn chủ yếu dựa vào sự cố gắng, nỗ lực khai thác những tiềm năng sẵn có. Trong khi đó, nếu muốn có sự đột phá về kinh tế, phải tạo ra được những bước nhảy vọt về đổi mới công nghệ, đột phá về sáng tạo trong khoa học công nghệ.

"Mức tăng trưởng GDP từ 6,8 - 7% cho năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Kết quả này sẽ giúp Việt Nam hoàn thành kế hoạch 2016 - 2020, nhưng nếu chỉ duy trì mức tăng tưởng này thì chúng ta chỉ ổn định ở ngưỡng nước có thu nhập trung bình. Việc này dẫn đến khoảng cách giữa Việt Nam với các nước khác lại khó được rút ngắn. Do đó, ngay từ năm 2020 phải đưa ra được một kịch bản tăng trưởng cao và vượt trội hơn giai đoạn chúng ta đã duy trì thời gian vừa qua", PGS. TS Hoàng Văn Cường nhận định.

“Thực tế Việt Nam lại đang nằm trong khu vực sản xuất có giá trị thấp, nếu muốn chuyển lên khu vực có giá trị cao thì không còn cách nào khác là phải tự đổi mới. Việc đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp, mà việc này cần được khuyến khích ngay trong khu vực quản lý công. Tức là bản thân những nhà quản lý phải tìm ra phương thức quản lý mới, gạt bỏ các quy chuẩn, quy trình không còn phù hợp”, PGS. TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Trong thời gian tới, nếu muốn kinh tế Việt Nam có được vị thế trên trường quốc tế, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân để tạo ra thương hiệu quốc gia.

“Muốn có những doanh nghiệp tư nhân đủ lớn trên thương trường, điều cần lúc này là cần có những giải pháp nhằm giúp khu vực tư nhân có điều kiện bứt phá. Hiện nay chúng ta đang đặt ra vấn đề cải cách khu vực kinh tế nhà nước, vậy cần phải làm sao để có thể chuyển những lĩnh vực nhà nước đang chiếm lĩnh sang cho khu vực tư để hình thành lên những tập đoàn lớn của khu vực tư nhân trong lĩnh vực đó. Nếu việc này được tiến hành có lộ trình, không những sẽ khơi dậy được các nguồn lực phát triển cho những khu vực hiện có, mà còn tạo ra những tập đoàn lớn mang thương hiệu quốc gia là các tập đoàn tư nhân”, ông Hoàng Văn Cường cho biết.

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/khong-thanh-nuoc-cong-nghiep-viet-nam-con-tut-hau-20-nam-so-voi-trung-quoc-77771046149.htm