Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2019

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Số: 2956/PTM – KHTH

Báo cáo tình hình thực hiện

Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 10/2019

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2019

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trân trọng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng 11 năm 2019, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH TẬP HỢP VÀ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

  1. Tình hình tập hợp và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong tháng 11/2019

Tổng hợp trong tháng 11/2019, VCCI thống kê có 147 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến 28 bộ, ngành, địa phương. Tính đến hết 30/11/2019, đã có 43 kiến nghị được trả lời, còn 104 kiến nghị chưa được trả lời, trong đó, số kiến nghị quá thời hạn trả lời là 43 chiếm khoảng 41,3%, còn lại 61 kiến nghị vẫn trong thời hạn nghiên cứu trả lời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương là các đơn vị trả lời được nhiều kiến nghị nhất trong tháng. Các Bộ: Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hà Nội là những bộ, ngành, địa phương có nhiều kiến nghị quá hạn chưa được trả lời.

Chi tiết số liệu và nội dung các kiến nghị mới được trình bày tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 gửi kèm báo cáo.

Nội dung chính trong các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chủ yếu đề nghị hướng dẫn các quy định của pháp luật để thực hiện. Ngoài ra còn một số kiến nghị về xây dựng pháp luật và một số vụ việc cụ thể của doanh nghiệp. Một số nội dung chính bao gồm như sau:

- Bộ Tài chính nhận được 31 kiến nghị của doanh nghiệp, là đơn vị nhận được kiến nghị nhiều nhất trong tháng. Nội dung cơ bản của các kiến nghị gồm:

+ Hướng dẫn hoặc đề nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan: phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các tỉnh; trạng thái hoạt động của doanh nghiệp khi đề nghị hoàn thuế GTGT; chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp; kê khai thuế GTGT theo mẫu 01/GTGT; việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử ngày 1/11/2018; thủ tục xin chấm dứt hiệu lực mã số thuế; thuế vãng lai lĩnh vực xây dựng, lắp đặt; hướng dẫn biểu thuế Asian - Hong Kong; giảm tiền truy thu hoàn thuế GTGT trong đầu tư xây dựng và tiền phạt;  xử lý thuế GTGT hàng nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, tái xuất khẩu; thuế GTGT đối với dịch vụ cầm đồ; xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp đã có quyết định giải thể; làm rõ cơ sở pháp lý của tính năng chặn kê khai trên trang thuế điện tử; kiến nghị về việc kiểm tra chuyển tải bất hợp pháp; xử lý lỗi không tìm thấy tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan …

 + Đề nghị hướng dẫn một số thực hiện pháp luật về một số nội dung: thời gian thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu trong thời gian thực hiện hợp đồng; định nghĩa doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018; giải đáp chính sách pháp luật liên quan đến hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ; hướng dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong quyết toán dự án đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp; giải thích từ ngữ “năng lực hoạt động sự nghiệp” trong Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp đã có quyết định giải thể; …

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được 30 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung cơ bản đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, trong đó đa số là hướng dẫn thực hiệp pháp luật về đấu thầu (16/30 kiến nghị) như sau:

+  Hướng dẫn pháp luật về đấu thầu đối với các nội dung: điểm đ khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu “Nhà thầu tham dự gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó”; áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Quyết định 17/2019/QĐ-TTg; áp dụng phương thức đấu thầu qua mạng gói thầu tư vấn trên 10 tỷ đồng; quy định của pháp luật về hồ sơ mời thầu; quy định về đấu thầu hợp đồng trọn gói; xử lý tình huống giá dự thầu vượt quá kế hoạch; yêu cầu nguồn lực tài chính cho gói thầu; cập nhật giá gói thầu theo quy định; hướng dẫn thực hiện quy định chỉ định thầu rút gọn; thủ tục đấu thầu gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng; hướng dẫn tư cách hợp lệ của nhà thầu …

+ Hướng dẫn thực hiện pháp luật trong một số nội dung khác như: điều kiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo của nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe; xác định ngành nghề ưu đãi theo luật Đầu tư; xử lý hồ sơ mua cổ phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài; xác định trường hợp tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 42, Luật Doanh nghiệp; chi phí mua bảo hiểm tự nguyện cho người lao động quyết toán và chi phí đầu tư dự án; thủ tục chuyển nhượng dự án sản xuất, kinh doanh có sử dụng đất; đăng ký ngành nghề bán buôn, bán lẻ cho sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất; lập dự án đầu tư không có cấu phần xây dựng đối với Công ty CP có vốn nhà nước chi phối …

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được 15 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: hướng dẫn sắp sếp nghỉ 45 phút cho công nhân làm ca đêm; thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép lao động; chi trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp đã quá thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp; cách tính xác định công việc nặng nhọc, độc hại trong công ty sản xuất bao bì carton; kiến nghị tăng giới hạn tổng thời gian làm thêm giờ trong năm; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; chế độ dành cho người quản lý tại công ty TNHH khi cổ phần hóa; xử lý người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng; bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động; … 

- Bộ Xây dựng nhận được 14 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị đều đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về: tổ chức kinh tế tham gia đấu giá quyền sử dụng đất lô nền tại các khu dân cư, tái định cư, cụm dân cư vượt lũ có điều kiện sinh lợi dôi dư trong quá trình sắp xếp, bố trí dân cư; hình thức phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình của Báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng thanh toán hợp đồng đơn giá cố định; áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; cơ quan thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP; hướng dẫn về thời hạn bảo hành công trình xây dựng; thủ tục chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng của dự án nằm trong các khu công nghiệp; nhà thầu cá nhân có được phép nhận thầu thi công xây dựng công trình; cơ quan thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP....

- Bộ Công Thương nhận được 10 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện năng lượng tái tạo; thủ tục cấp phép dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời; hướng dẫn mối quan hệ thương mại điện tử và quảng cáo; thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài; thủ tục đăng ký ngành nghề phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu cho doanh nghiệp sản xuất rượu; quy định về hoạt động thương mại điện tử của thương nhân nước ngoài;…

- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 6 kiến nghị của doanh nghiệp Nội dung các kiến nghị bao gồm: hướng dẫn áp dụng tiêu chí liên quan đến Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015; hướng dẫn áp dụng thời hạn lập đề án bảo vệ môi trường; hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng dự án sản xuất, kinh doanh có sử dụng đất; quy định của pháp luật về tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, gia hạn thời hạn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; hướng dẫn xử lý rác thải nguy hại...

 - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận được 4 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng trong soạn thảo, ban hành thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục cho công ty mẹ vay và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài; hướng dẫn quy định về quản lý ngoại hối trong đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam; giải đáp một số vướng mắc trong thực hiện Luật các tổ chức tín dụng.

- Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được 4 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: hướng dẫn hoạt động mô hình kinh doanh nhượng quyền trong lĩnh vực bưu chính; hướng dẫn các quy định, tiêu chí về hoạt động sản xuất phần mềm; kiến nghị việc tạm dừng cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với nhóm đối tượng là các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí; đề nghị cho phép bán lẻ sim card nước ngoài.

- Các Bộ: Công an, Tư pháp; Giao thông Vận tải đều nhận được 3 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị bao gồm: Hướng dẫn thời hạn của Giấy chứng nhận nghiệp vụ PCCC; hướng dẫn áp dụng một số nội dung của Thông tư số 04/2015/TT-BCA; kiến nghị trả con dấu của văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài; hướng dẫn đăng ký kho lưu trữ hồ sơ; hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về giải quyết khiếu lại; kiến nghị làm rõ các dấu hiệu sai phạm của Chi cục Thi hành án dân sự TP. Phan Rang - Tháp Chàm; xử lý việc cấp phù hiệu taxi cho doanh nghiệp ngoại tỉnh kinh doanh tại Hà Nội; Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

- Các UBND TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội đều nhận được 3 kiến nghị của doanh nghiệp, UBND TP Hải Phòng nhận được 2 kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung các kiến nghị gồm: đề nghị xử lý việc chậm trễ thực hiện dự án và thanh toán khoản tiền tạm ứng của gói thầu XL0-02: thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè; hướng dẫn cấp quyền sử dụng đất cho mục đích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và khu đô thị thông minh; đề nghị xử lý các biển báo giao thông Hà Nội không tuân thủ QCVN 41:2016/BGTVT; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp tại Hà Nội; hướng dẫn thủ tục hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính 140 ki ốt tại chợ đầu mối hoa quả tại Hải Phòng; kiến nghị về việc quy trình làm việc kéo dài và mâu thuẫn của phòng đăng ký kinh doanh TP. Hải Phòng.

- Các bộ: Ngoại giao; Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Thanh tra Chính phủ và UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, TP Đà Nẵng đều nhận được 1 kiến nghị. Nội dung các kiến nghị bao gồm: hướng dẫn Điều 478 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam; hướng dẫn cơ chế sử dụng lao động hợp đồng; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn bàn ghế học sinh; thủ tục cấp giấy phép bán buôn phân bón; thủ tục  thẩm định và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu; việc kiểm tra pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp; xử lý việc chỉ định địa điểm đầu tư nhưng không giải phóng mặt bằng, sang nhượng và giữ đất của công ty nhưng không đền bù; kiến nghị xem xét trách nhiệm thanh toán công nợ của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC; hướng dẫn thủ tục cho thuê mặt nước làm bến thuyền du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu; kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy nước sạch tại Thanh Hóa; kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp được thuê đất để thực hiện dự án trang trại trồng dứa, rau màu theo hướng công nghệ sinh thái tại Tiền Giang; kiến nghị xem xét cấp lại đường điện hạ áp đối với dự án điện xã Hương Sơn, tỉnh Bắc Giang;…

  1. Tình hình trả lời các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương từ đầu năm đến 30/11/2019:

2.1. Tình hình trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 11/2019:

Trong tháng 11/2019, VCCI nhận được 71 văn bản trả lời kiến nghị doanh nghiệp của 14 bộ, ngành, địa phương (tăng 4 văn bản so với tháng 10/2019). Các văn bản này đã được VCCI đăng tải đầy đủ trên Website của VCCI như quy định tại Nghị quyết 35. (Chi tiết trong Phụ lục 3 gửi kèm theo báo cáo)

Tình hình giải quyết các kiến nghị bộ, ngành, địa phương nhận được trong tháng 11 cụ thể như bảng sau:

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mặc dù nhận được nhiều kiến nghị nhưng số lượng kiến nghị được phản hồi nhiều, kiến nghị quá hạn trả lời ít. Bộ Tài chính tháng 11/2019 trả lời kiến nghị chậm so các tháng trước đây, số lượng tồn nhiều (22/31 kiến nghị). Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị chậm như: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an; Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội… Thời hạn giải quyết kiến nghị được VCCI tính theo thời hạn do Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tại công văn gửi các bộ, ngành, địa phương.

2.2. Các kiến nghị tồn từ đầu năm đến hết tháng 11/2019:

Qua theo dõi của VCCI, từ 1/1/2019 đến hết 31/10/2019, còn 253 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Một số kiến nghị tồn đọng từ đầu năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Chi tiết các kiến nghị chưa được trả lời và trách nhiệm giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được trình bày trong Phụ lục 1, Phụ lục 2 và Phụ lục 4 gửi kèm theo báo cáo.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trả lời dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp đặc biệt là các kiến nghị tồn đọng từ đầu năm như:  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội...  

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP CỦA VCCI

Trong tháng 11/2019, VCCI đã triển khai các nhiệm vụ được giao như sau:

  1. Triển khai các hoạt động góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp:

Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và tổ chức quốc tế liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hôi nghị, tọa đàm… nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, góp ý chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân và phát triển kinh tế ngành, địa phương, đối ngoại… như:

+ Tổ chức Hội thảo công bố kết quả Báo cáo Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính Thuế năm 2019. Báo cáo đánh giá do VCCI cho thấy khoảng 90% doanh nghiệp đánh giá thông tin TTHC thuế hiện dễ tìm và dễ điền, 76% đánh gia thông tin TTHC thuế dễ hiểu; 80% đánh giá việc thực hiện các TTHC thuế dễ/tương đối dễ thực hiện. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp FDI và nhóm các doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ là những nhóm cảm nhận được mức độ thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế thấp hơn so với các nhóm doanh nghiệp khác. Hai thủ tục hành chính thuế khó thực hiện nhất là đề nghị miễn, giảm thuế (62%), và hoàn thuế (56%). Các doanh nghiệp mới hoạt động trong vòng 2 năm gần đây cho biết gặp khó khăn về thủ tục thuế nhiều hơn các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm. Thực hiện khai và nộp thuế điện tử đạt mức cao (98,4% và 92%). Việc triển khai hóa đơn điện tử còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa sẵn sàng, chưa có sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hạ tầng công nghệ…

+ Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với sự tham dự của hơn 600 doanh nghiệp.  Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thuế và hải quan là hoạt động phối hợp thường niên giữa VCCI và Bộ Tài chính nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan. Bên cạnh việc giới thiệu, cập nhật các chính sách mới của ngành Thuế và Hải quan, Hội nghị dành nhiều thời gian để đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và doanh nghiệp đối thoại, giải đáp các vướng mắc về thuế và hải quan của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

+Tổ chức nhiều hội thảo,  hộiu nghị lấy ý kiến đóng góp đối với một số dự thảo văn bản pháp luật như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2013/NĐ-CP về thẩm định giá; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định thành lập, tổ chức, hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Nghị định về lộ trình và phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu; Thông tư sửa đổi Thông tư về phí; Thông tư về danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực trên thiết bị di động; Thông tư quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương; Thông tư quy định thu phí quản lý và giảm sát hoạt động bảo hiểm; Báo cáo về việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật theo lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ… (Nội dung chi tiết các ý kiến đóng góp được cập nhật tại: http://vibonline.com.vn/tim-kiem-y-kien-vcci).

+  Tổ chức Lễ công bố 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2019 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành và hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Việc đánh giá, xếp hạng căn cứ Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index - CSI). Năm 2019, Bộ Chỉ số CSI được tinh gọn từ 131 chỉ tiêu xuống còn 98 chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật. Hiện nay, Bộ chỉ số được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và áp dụng trong hệ thống quản trị và xây dựng hệ thống kinh doanh. Tại sự kiện, VCCI phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương 9 tác phẩm báo chí xuất sắc từ 100 bài dự thi viết về doanh nghiệp phát triển bền vững.

- Tham gia Tổ Biên tập Đề án “Xây dựng Bộ tiêu chí khung nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta” của Ban Kinh tế Trung ương. VCCI chủ trì thực hiện 02 chuyên đề: (1) “Thực trạng và những vấn đề đặt ra về tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta qua hơn 30 năm đổi mới”; (2) “Đề xuất tiêu chí khung về tự do kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nhóm giải pháp chính áp dụng tiêu chí khung này vào thực tiễn phát triển đất nước”.

- Tham gia Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới trong khuôn khổ Chương trình “Giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan” năm 2019.

- Tiếp tục các hoạt động theo Kế hoạch PCI 2019: chuẩn bị nội dung cho Bản tin PCI Quý IV/2019; hợp tác với Quỹ Châu Á (TAF) triển khai Nghiên cứu “Đánh giá tổng quan về khả năng chống chịu của doanh nghiệp” lồng ghép trong khảo sát PCI; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai đánh giá về thủ tục cấp phép xây dựng tại các địa phương lồng ghép trong khảo sát PCI…

- Tiếp tục triển khai Chương trình Hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh:

+ Phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”. Hội thảo là một trong các hoạt động trọng tâm của “Sáng kiến liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ”(GBII) do VCCI thực hiện trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” của UNDP. Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và khu vực tư, tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm. Tại hội thảo, 11 hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM đã tham gia ký kết “Bản cam kết kinh doanh liêm chính”, nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp, hướng tới cùng hợp tác hành động nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.

  1. Triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp:

- Chủ tịch VCCI tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Bangkok, Thái Lan; tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc, Hội nghị cấp cao Mekong – Hàn Quốc lần thứ nhất và thăm chính thức Hàn Quốc.

- Phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc”. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, các lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở trung ương, địa phương cùng hơn 600 doanh nghiệp hai nước, trong đó có 250 doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong gần 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ giữa hai nước đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đang kinh doanh rất thành công tại Việt Nam như Samsung, LG, Hyundai... Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên rất nhiều lĩnh vực và hiện có số lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Với Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, thông qua Hội nghị, Việt Nam mong muốn tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tại hội nghị, VCCI đã ký kết hợp tác khởi nghiệp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Viện Khởi nghiệp và Phát triển Doanh nghiệp Hàn Quốc (KISED).

- Phối hợp tổ chức buổi Đối thoại doanh nghiệp Việt - Nga nằm trong chuỗi các sự kiện "Năm chéo Việt - Nga" (Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam) nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga với sự tham dự của Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng LB Nga M. Akimov, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước. Buổi Đối thoại tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể, thiết thực liên quan đến các cơ hội đầu tư - kinh doanh, tận dụng các lợi thế mà doanh nghiệp và nền kinh tế hai nước có thể bổ sung cho nhau, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả nhất cho doanh nghiệp mình. Với mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, Chính phủ Việt Nam và LB Nga đã và đang gỡ bỏ nhiều hàng rào thuế quan, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước.

- Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong - Nhật Bản năm 2019 tại Cần Thơ, với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức, đối tác Nhật Bản tại Việt Nam và 250 doanh nhân Nhật Bản. Diễn đàn lần này thu hút được số lượng doanh nhân Nhật Bản tham gia đông nhất từ trước đến nay tại vùng ĐBSCL. Diễn đàn nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng phát triển của vùng và nỗ lực của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng hướng tới thu hút nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy hợp tác, kinh doanh từ các nhà đầu tư Nhật Bản vào ĐBSCL. Thủ phủ của Vùng là Cần Thơ đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đến Cần Thơ và Vùng nói chung như: thành lập KCN hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) để kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, ban hành Bản cam kết 10 điểm đối với nhà đầu tư Nhật Bản…

- Phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” (Vietnam Responsible Business Forum). Tại Diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của người lao động, các tổ chức xã hội và các cơ sở đào tạo đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề liên quan tới việc áp dụng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn hạn chế. Ngoài những nguyên nhân như hạn chế về ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lao động chưa cao, nhiều doanh nghiệp Việt chưa có ý thức tuân thủ các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng vận hành và phát triển kinh doanh theo nguyên tắc được quốc tế công nhận về quyền con người, quản lý môi trường. Đồng thời, thực hiện liêm chính trong kinh doanh và phòng, chống tham nhũng cũng là một phần trong chiến lược nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

- Phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo đối thoại “Thúc đẩy kỹ năng nghề tại nơi làm việc – Mô hình đào tạo của doanh nghiệp và sự hợp tác giữa các bên”. Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm gắn kết doanh nghiệp và nhà trường tại chính đơn vị, cập nhật các nội dung trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) liên quan tới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN trong việc đào tạo và tuyển dụng lao động có tay nghề, giúp các doanh nghiệp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tổ chức một số hội thảo chuyên đề: Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số và chia sẻ” tại Quảng Ninh; Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019 tại Hà Nội; Hội thảo “Đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp” tại Gia Lai; Diễn đàn "Tăng cường hệ thống giáo dục Việt Nam nhằm hỗ trợ khả năng tìm kiếm việc làm và kỹ năng khởi nghiệp của sinh viên tốt nghiệp" tại TP.Hồ Chí Minh; Hội thảo về hướng nghiệp và chính sách tuyển dụng tại Vĩnh Phúc; Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nuôi trồng thuỷ sản” tại Cần Thơ…

- Tổ chức và phối hợp tổ chức một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế: Diễn đàn Xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội; Hội thảo “Cơ hội kinh doanh với tỉnh Giang Tô (Trung Quốc)” tại TP.Hồ Chí Minh; Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Séc tại Hà Nội; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Triển lãm Ô tô điện, xe máy và xe đạp điện Quảng Tây lần 4 tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc)…

- Tổ chức 51 khóa tập huấn, đào tạo cho 2890 doanh nghiệp về các chủ đề: cập nhật những kinh nghiệp về đấu thầu cơ bản và đấu thầu qua mạng nhằm nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; kỹ năng giải quyết tranh chấp về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, hướng dẫn xử lý sai phạm về hợp đồng lao động nhằm nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; đào tạo về BHXH trong doanh nghiệp và thanh tra BHXH; phòng tránh rủi ro trong quá trình lập báo cáo tài chính doanh nghiệp; tập huấn về trị giá tính thuế và những quy định mới về trị giá hải quan…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Nơi nhận :

- Như kính gửi;

- Ban Thường trực;

- VPCP (Vụ ĐMDN);

- Trung tâm thông tin kinh tế (để đăng tải lên Website);

- Lưu VT, VP (TH).   
 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP trong tháng 11/2019 (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ tài chính (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Xây Dựng (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Thông tin và Truyền Thông (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Giao Thông vận tải (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Công thương (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Ngân hàng nhà nước Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Ngoại giao (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Tư pháp (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt nam (Tải về)

Giải đáp kiến nghị trong tháng 11/2019 của UBND Tỉnh Bắc giang (Tải về)