Sớm có giải pháp gỡ vướng trên thực tiễn bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67

Sáng ngày 5/12, Đoàn công tác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, một số huyện của tỉnh và đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Công ty Bảo hiểm Petrolimex Nghệ An về tình hình triển khai bảo hiểm cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) và Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 17).

Ngư dân và doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn

Theo báo cáo của PJICO tại buổi làm việc, sau 4 năm triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định 17, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã thực hiện bảo hiểm cho 41.907 lượt tàu và 430.259 lượt thuyền viên làm việc trên các tàu cá.

Trong 4 năm, các DNBH đã và đang tham gia giải quyết 10.758 vụ khiếu nại, trong đó có hơn 220 vụ tổn thất toàn bộ tàu chìm và có nhiều trường hợp không tìm thấy xác tàu. Tính tới ngày 30/9/2019, tổng số tiền bồi thường là 968 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí dự phòng bồi thường.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, việc thực hiện chủ trương chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn Nghệ An thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực, hỗ trợ thiết thực cho nhiều hộ ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này, đặc biệt là giai đoạn gần đây, thực tiễn đã ghi nhận một số khó khăn, trong đó có vấn đề mua bảo hiểm tàu cá để ngư dân ra khơi.

Chia sẻ thêm thông tin tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Trúc – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng đã thông tin thêm về tình trạng một số chủ tàu thuộc diện vay vốn ngân hàng theo chính sách của Nghị định 67 phản ánh về tình trạng các ngân hàng “yêu cầu nằm bờ” do không mua được bảo hiểm, gây thiệt hại tới các chủ tàu mặc dù đã đủ các điều kiện để ra khơi. Cùng với đó, qua ghi nhận thực tế của địa phương, một số trường hợp chủ tàu phản ánh công tác triển khai đền bù còn khá chậm, khiến ngư dân có tâm lý lo lắng.

Bảo hiểm tàu cá là hình thức bảo hiểm tự nguyện

Sau khi nghe và ghi nhận các ý kiến từ phía địa phương, cũng như DNBH, đại diện đoàn công tác khẳng định, thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67 cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm hỗ trợ cho ngư dân để yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, mặc dù kết quả kinh doanh chưa được như kỳ vọng, song qua ghi nhận thực tiễn, các DNBH đã thể hiện sự nỗ lực lớn trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương, chủ động triển khai thực hiện, góp phần thực hiện các mục tiêu chính sách của Nghị định số 67.

 bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67

 Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác tại Chi cục Thủy sản Nghệ An. Ảnh: DT.

Ghi nhận những khó khăn từ phía ngư dân cũng như DNBH, song tại buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác khẳng định, bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và Nghị định 17 là hình thức bảo hiểm tự nguyện. Theo đó, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 không quy định việc các chủ tàu phải thực hiện mua bảo hiểm trước khi ra khơi; đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 67 và Nghị định 17 cũng không quy định bảo hiểm tàu cá là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Do vậy, DNBH và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật; mặt khác cũng không quy định pháp luật nào yêu cầu chủ tàu phải mua bảo hiểm trước khi ra khơi.

“Mặc dù không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc, thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tuy nhiên bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67 là nhằm triển khai các chính sách lớn của Nhà nước về phát triển thủy sản, do đó đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của DNBH cũng như nhận thức của ngư dân. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thường xuyên giám sát chặt chẽ, đôn đốc các DNBH trong việc tiếp cận, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai bảo hiểm tàu cá theo nghị định này” – đại diện của Đoàn công tác cho biết.

Cần sự phối hợp chặt chẽ để sớm gỡ vướng

Tại buổi làm việc, ông Trần Đăng Tuấn cũng cho hay, vấn đề bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 là vấn đề khá “nóng” tại địa phương, được ngư dân và lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Do vậy, “rất chia sẻ với khó khăn của ngư dân cũng như DNBH; song đây là chủ trương lớn, tích cực của Nhà nước nên đề xuất các cơ quan bộ, ngành và các DNBH sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, bởi càng kéo dài thì ngư dân càng bị thiệt hại lớn. Về phía tỉnh, sẽ tích cực tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để gỡ vướng trên thực tiễn” – đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An cho hay.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trần Tùng – Phó trưởng ban Bảo hiểm Hàng hải của PJICO cũng ghi nhận và lý giải một số phản ánh từ phía địa phương; đồng thời khẳng định không có chuyện dừng triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và cam kết sẽ có tổng hợp, đánh giá, báo cáo, đề xuất cụ thể để gỡ vướng thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả ngư dân và DNBH.

“Đến thời điểm này, PJICO không có bất cứ chủ trương hay văn bản nào thông báo tới các công ty thành viên về việc dừng triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều vụ tổn thất lớn nên việc cấp đơn bảo hiểm cần nhiều thời gian hơn trước đây” – ông Hoàng Trần Tùng nói.

Kết luận tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã chia sẻ với những khó khăn thực tế mà các ngư dân và DNBH gặp phải trong thời gian qua. Chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn và qua thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã kịp thời làm việc với PJICO để nắm tình hình và kịp thời có các công văn gửi PJICO, đồng gửi UBND các tỉnh và các DNBH tham gia.

Theo đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DNBH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 theo đúng quy định, nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đẩy nhanh việc thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng thực tế của tàu trước khi cấp đơn bảo hiểm của PJICO, đảm bảo công khai minh bạch, đúng quy định. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị PJICO phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để xác định chính xác nguyên nhân thiệt hại, làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân và tránh để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm việc với các DNBH tham gia và các bên liên quan. Qua buổi làm việc, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các DNBH báo cáo về tình hình triển khai, trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất cụ thể về sửa đổi, bổ sung quy tắc bảo hiểm. Mới đây nhất, ngày 2/12, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu các DNBH khẩn trương hoàn thành các nội dung nêu trên.

“Đoàn công tác ghi nhận những đề xuất từ phía địa phương và DNBH; qua đó sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện chính sách bảo hiểm để chủ động xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Nhân buổi làm việc này, đề nghị các địa phương và DNBH tiếp tục tăng cường tuyên truyền và phối hợp để sớm xử lý những tồn tại xuất hiện trên thực tiễn, nhằm thực hiện hiệu quả, bền vững các mục tiêu chính sách, đảm bảo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân, cân đối ngân sách nhà nước và an toàn tài chính của DNBH” – đại diện Đoàn công tác nhấn mạnh./.

Theo Duy Thái(Thời báo tài chính)
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2019-12-05/som-co-giai-phap-go-vuong-tren-thuc-tien-bao-hiem-tau-ca-theo-nghi-dinh-67-79925.aspx